Panama dự định áp đặt trừng phạt thương mại chống Colombia

Chính phủ Panama muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên tới 210 triệu USD đối với Colombia sau khi thắng kiện quốc gia láng giềng này liên quan tới một khoản thuế nhập khẩu bất thường.
Panama dự định áp đặt trừng phạt thương mại chống Colombia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một tài liệu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 13/2, Chính phủ Panama muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên tới 210 triệu USD đối với Colombia sau khi thắng kiện quốc gia láng giềng này liên quan tới một khoản thuế nhập khẩu bất thường.

Vào năm ngoái Chính phủ Panama đã kiện Colombia lên tòa trọng tài WTO sau khi Bogota áp đặt mức thuế phụ trội mang tên “thuế chống rửa tiền” lên các mặt hàng dệt may, quần áo và giày dép nhập khẩu từ Panama với lý do các mặt hàng trên đã được nhập khẩu trước đó vào nước này với mức giá thấp giả tạo để rửa tiền.

Yêu cầu của Panama về việc áp đặt trừng phạt thương mại có thể sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại từ phía Colombia bởi nước này có thể đề nghị WTO xác minh lại các bước mà tổ chức này đã thực hiện để đi đến quyết định pháp lý, bên cạnh việc yêu cầu một lệnh trừng phạt ở mức thấp hơn.

Trong tài liệu trên, Chính phủ Panama cũng thừa nhận rằng việc áp dụng thuế đối với hàng hóa Colombia sẽ là vấn đề phức tạp bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế Panama như năng lượng, nông nghiệp, y tế và xây dựng. Do đó, chính phủ nước này cũng yêu cầu WTO cho họ áp dụng lệnh trừng phạt lên các dịch vụ và sở hữu trí tuệ Colombia.

Trong suốt thời gian qua, Panama đã phải chịu sự giám sát toàn cầu về minh bạch thuế quan do ảnh hưởng của vụ Hồ sơ Panama liên quan tới các tài khoản bí mật ở nước ngoài của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại nước này.

Một quan chức của WTO cho biết, cho tới ngày 22/1 Colombia sẽ phải thực hiện theo phán quyết trong khi Chính phủ Bogota đã thông qua hai nghị định về chế độ thuế và hải quan vào ngày 2/11/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.