Panama mong muốn hợp tác với Việt Nam về sản xuất, tiêu thụ gạo

Nhiều doanh nghiệp Panama đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong trồng lúa, sản xuất, tiêu thụ gạo và nhận định đây là một trong các lĩnh vực mà hai nước có nhiều cơ hội phát triển.
Panama mong muốn hợp tác với Việt Nam về sản xuất, tiêu thụ gạo ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Panama)

Nhiều doanh nghiệp Panama đã bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc trồng lúa, sản xuất và tiêu thụ gạo và nhận định đây là một trong những lĩnh vực mà hai nước có nhiều cơ hội để phát triển ưu thế của mình theo hướng hai bên cùng có lợi.

Tinh thần trên được khẳng định trong một cuộc hội thảo mới đây về xúc tiến thương mại mặt hàng gạo do Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Panama, Hội các nhà sản xuất gạo của tỉnh Chiriquí, Công ty Doble Mas và Hội Hữu nghị Panama-Việt Nam đồng tổ chức tại tỉnh Chiriquí, vựa lúa lớn nhất của Panama.

Đến dự hội thảo có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Panama Vũ Ngọc Minh; Chủ tịch Hội các nhà sản xuất gạo tỉnh Chiriquí, Gabriel Auraz; Chủ tịch Hội Hữu nghị Panama-Việt Nam Ivan Ruiz; nguyên Bộ trưởng Phát triển Nông nghiệp Guillermo Salazar và hơn 70 doanh nghiệp nước chủ nhà trong lĩnh vực lúa gạo.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Vũ Ngọc Minh nêu bật những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp, thể hiện qua việc từ một nước phải nhập khẩu lương thực ngày nay đã trở thành một trong 3 nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu.

Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam có thể hợp tác với Panama trong lĩnh vực cung cấp chuyên gia, giống, phân bón để phát triển các dự án lương thực, cũng như bán gạo sang Panama với giá cả hợp lý hơn so với sản phẩm nhập khẩu gạo hiện nay của nước này.

Về phần mình, nguyên Bộ trưởng Guillermo Salazar cho biết ngành trồng lúa của Panama còn nhiều bất cập, như 87% diện tích trồng lúa của tỉnh Chiriquí thiếu nước, giá giống, phân bón, nhân công đều cao, năng suất chỉ đạt 4 tấn/hecta và cả năm chỉ làm một vụ, do đó chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu gạo của người dân, phải nhập 25%, tương đương với gần 100.000 tấn gạo/năm.

Ông Guillermo nhấn mạnh ngành nông nghiệp Panama sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo như tìm nguồn vốn để xây dựng các dự án trồng và sản xuất lúa gạo, theo hướng Việt Nam cung cấp chuyên gia, giống, phân bón để làm lúa hai vụ/năm và nâng cao năng suất cây trồng này.

Các doanh nghiệp Panama tham dự hội thảo đã thảo luận và đề xuất đàm phán để tiến tới ký kết Ý định thư về quan hệ hợp tác giữa Hội các nhà sản xuất gạo của tỉnh Chiriquí và một cơ quan của Việt Nam để thực hiện một dự án thí điểm khoảng 3.000 hecta, trong đó Việt Nam cung cấp giống lúa, kỹ thuật và cử chuyên gia, phía Panama lo nguồn tiền (có thể thông qua Ngân hàng phát triển nông nghiệp của Panama).

Hội các nhà sản xuất gạo của tỉnh Chiriquí sẽ hỗ trợ thủ tục, giấy tờ và tác động với Chính phủ Panama để Việt Nam có thể xuất khẩu gạo sang Panama thông qua Hội, để người dân Panama được mua gạo với giá rẻ.

Cùng ngày, Đại sứ Vũ Ngọc Minh đã đến thăm và có cuộc gặp với ban lãnh đạo Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp của tỉnh Chiriquí; cũng như họp với Ban Lãnh đạo Hội các nhà sản xuất gạo của tỉnh này. Kênh truyền hình 28 thời sự Telemetro của Panama đã đưa tin tức về hội thảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.