Ngày 16/8, các nhà khảo cổ học Peru thông báo phát hiện một bức tường với các bức phù điêu có niên đại cách đây khoảng 3.800 năm tại khu di tích khảo cổ Vichama, một trong những thành phố của nền văn minh Caral lâu đời nhất tại châu Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn lời chuyên gia khảo cổ Ruth Shady, người phát hiện ra nền văn minh Caral, cho biết trên bức tường có khắc họa 4 khuôn mặt người với đôi mắt nhắm.
Bức tường được xây bằng đất sét hướng về phía các cánh đồng trồng trọt ở thung lũng Huaura.
Công trình này nằm ở khu vực hành lang phòng tổ chức các nghi lễ tại một trong những tòa nhà thuộc di tích Vichama, miền Bắc Peru.
[Phát hiện ít nhất 60 xác ướp 1.500 tuổi chôn ở miền Nam Peru]
Theo bà Shady, phát hiện mới này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn đối với bộ tộc cổ xưa tại Peru trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và thiếu nước gây ảnh hưởng lớn đến năng suất nông nghiệp.
Từ năm 2007, các chuyên gia khảo cổ đã khai quật được 22 tòa nhà cổ ở Vichama với diện tích 25ha. Đây là khu vực có nhiều công trình được xây dựng từ 1.500-1.800 năm trước Công Nguyên.
Caral là một trong những nền văn minh cổ nhất châu Mỹ, ra đời cách đây hơn 5.000 năm. Người Caral sống tại vùng thung lũng Supe, cách thủ đô Lima 200km về phía Bắc.
Nền văn hóa Caral đã đạt trình độ phát triển cao, với việc xây dựng các công trình kiến trúc dạng kim tự tháp, hệ thống tưới tiêu phức tạp và các tòa nhà dạng hộp trên một vùng rộng lớn, trong khi tại hầu hết các vùng còn lại của châu Mỹ, người dân chủ yếu sống quây quần trong các cộng đồng nhỏ và sống bằng săn bắn, hái lượm.
Việc phát hiện ra nền văn minh này thay đổi cách nhìn về quá trình hình thành những nền văn minh lớn của Peru cổ đại./.