Tác động kép của đại dịch COVID-19 và các vướng mắc pháp lý đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý đầu tư xây dựng dự án. Nếu không được tháo gỡ sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư các dự án, đặc biệt là lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.
Theo đại diện PetroVietnam, hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai trên cơ sở hợp đồng dầu khí và Luật Dầu khí, với trình tự gồm: Tìm kiếm thăm dò dầu khí; chuẩn bị phát triển mỏ dầu khí; phát triển mỏ dầu khí; khai thác dầu khí; thu dọn công trình dầu khí.
[PetroVietnam chủ động rà soát các vướng mắc quy định của pháp luật]
Trong đó, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí là hoạt động rủi ro cao do chủ yếu được thực hiện ở khu vực nước sâu xa bờ (vài km dưới đáy biển), chi phí lớn, điều kiện thi công khó khăn. Trên thế giới, xác suất thành công của các giếng khoan thăm dò ngoài khơi trung bình chỉ khoảng 10 - 20%.
Việc thu hồi chi phí đầu tư dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí chỉ có thể thực hiện khi có phát hiện thương mại và có công bố/chấp thuận chuyển dự án dầu khí sang thực hiện phát triển khai thác. Rủi ro là thế, tuy nhiên chỉ có tìm kiếm thăm dò mới có thể gia tăng được trữ lượng, đây là cơ sở để có các bước tiếp theo là phát triển mỏ và khai thác dầu khí.
Dẫn ý kiến các chuyên gia, đại diện PetroVietnam cho biết nếu coi các dự án tìm kiếm thăm dò như các dự án đầu tư thông thường thì không thể thực hiện được vì thực tế ở giai đoạn tìm kiếm thăm dò chưa thể khẳng định hiệu quả dự án.
Để có thể thực hiện dự án tìm kiếm thăm dò cần rà soát các quy định, phù hợp với chiến lược, kế hoạch, nhu cầu đầu tư hàng năm, không phụ thuộc quy mô dự án, có thể giao cho doanh nghiệp tự quyết định việc thực hiện đầu tư vào các dự án tìm kiếm thăm dò.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh (hoàn thiện thể chế), tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021, Quốc hội Khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2021. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, điều chỉnh ở các văn bản pháp lý liên quan như: Luật Dầu khí (do Bộ Công Thương tổng hợp, đánh giá, dự thảo, báo cáo Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội thảo luận, thông qua), các nghị định của Chính phủ (hướng dẫn thi hành các Luật Dầu khí sau khi được Quốc hội thông qua và ban hành), các thông tư hướng dẫn thực hiện hoặc các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho những trường hợp đăc biệt (nội dung mà các văn bản luật, dưới luật không điều chỉnh hết).
Đối với Luật Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung quy định về hồ sơ, quy trình thẩm định và phê duyệt hợp đồng dầu khí.
Đối với các dự án dầu khí có sự tham gia của nhà thầu là PVN và/hoặc doanh nghiệp có vốn góp của PVN ngay từ thời điểm Hợp đồng có hiệu lực, Hồ sơ đề nghị thẩm định cần bổ sung Báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư (đối với các dự án phát triển khai thác dầu khí) hoặc đánh giá mức độ rủi ro đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí (đối với các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí) tương ứng với phần tham gia của PVN và/hoặc doanh nghiệp có vốn góp của PVN, đề xuất phương án vốn khi tham gia hợp đồng dầu khí.
Thay vì quy định trong các văn bản hướng dẫn, VPI đề xuất Luật Dầu khí cần bổ sung trình tự thẩm định, phê duyệt các báo cáo khi thực hiện các hoạt động dầu khí (Báo cáo đánh giá trữ lượng - RAR, Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí - ODP, Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí - FDP, Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí - EDP và Kế hoạch thu dọn các công trình dầu khí).
Cùng với đó, bổ sung mới trình tư, thủ tục thẩm định và phê duyệt chương trình thăm dò dầu khí mở rộng, tận thăm dò để có cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động dầu khí.
Kế hoạch phát triển mỏ đại cương do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước quyết định đầu tư dự án dầu khí và các nhà thầu thực hiện khai thác dầu khí.
VPI kiến nghị việc thực hiện các thủ tục sửa đổi, bổ sung kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong các trường hợp: chi phí thực tế của dự án dự kiến vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong kế hoạch phát triển mỏ từ 15% trở lên; hoặc bổ sung các hạng mục công trình dầu khí cơ bản: giàn khai thác, tàu chứa dầu (FSO/FPSO) so với kế hoạch phát triển mỏ đã được phê duyệt.
Đồng thời, VPI cũng kiến nghị bổ sung đối với Luật Dầu khí và văn bản dưới luật, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục trong việc xây dựng các công trình khí (đường ống, trạm xử lý khí) trên bờ thuộc các dự án thăm dò khai thác theo PSC mở rộng và bổ sung quy định trong lập, thẩm định Báo cáo FDP tổng thể tương ứng (phù hợp, thống nhất với các quy định liên quan trong Luật Xây dựng)./.