Đầu vụ năm nay, diện tích gừng tại Cà Mau tăng lên nhanh chóng để thay thế cây mía sau đợt sốt giá đột biến vào năm 2014. Chỉ với vài ba công đất gừng, nhiều người đã trở thành triệu phú.
Vì thế, người dân đã đổ xô đầu tư trồng gừng mà bất chấp những nguy cơ, để giờ đây mất giá, dịch bệnh tràn lan. Gừng từ cây mang nhiều hy vọng thì giờ đây, gừng không chỉ “cay” mà còn thêm nhiều phần chua chát với người nông dân vùng Thới Bình.
Bán tháo gừng non...
Đến thời điểm này, toàn huyện Thới Bình có hơn 200 ha trồng gừng, tăng gấp nhiều lần so với năm 2014. Nhưng theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình, diện tích bị thiệt hại hiện lên đến 40%.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Hiện tình hình gừng bị thiệt hại vì nhiễm bệnh đang diễn ra trên diện rộng. Theo đó, bệnh phổ biến của gừng là thối củ. Bệnh này một khi đã nhiễm trên một diện tích đất nào đó thì biện pháp duy nhất là bà con nên bán càng nhanh càng tốt để tránh bị thiệt hại. Bởi hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh này.”
Năm vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông chỉ trồng nửa công gừng nhưng đã bán được hơn 150 triệu. Vì thế ở vụ gừng năm nay, gia đình chị quyết tâm mở rộng diện tích trồng lên 3 công.
Ngoài ra, còn đi mướn thêm 4 công nữa để trồng. Nhưng với tình hình hiện tại, ngoài 3 công gừng phải bán non để “chạy” dịch bệnh thì 4 công gừng đi mướn đã trắng tay.
Chị Tuyến cho biết: “Từ hồi tháng 6 âm lịch, gừng đã bắt đầu có dấu hiệu bị thối, phát hiện buổi sáng thì buổi chiều cây gừng bắt đầu héo đi rất nhanh. Vì thế gia đình đã quyết định bán non gừng để lấy lại phần chi phí đầu tư, vì mỗi công gừng đi mướn là 30 triệu đồng. Nhưng thu hoạch chỉ bán được hơn 10 triệu, vụ gừng năm nay coi như cầm chắc lỗ hơn 100 triệu.”
Nhận thấy gừng là cây có thể giúp đời sống kinh tế phát triển nhanh chóng, nhiều hộ dân ở các xã Biển Bạch Đông, Trí Lực, Tân Bằng... của huyện Thới Bình đua nhau chuyển sang trồng gừng. Nhiều hộ dù không có vốn, đất đai để đầu tư nhưng vẫn cố gắng đi thuê, mua chịu giống, phân để trồng, giờ đây đành ngậm ngùi nhìn gừng từng ngày bị héo dần đi mà không có cách gì cứu vãng được.
Sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, hiện gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Non, xã Biển Bạch Đông phải ở đậu trên phần đất nhà cha mẹ cùng với khoản nợ hơn 100 triệu đồng. sau vụ gừng vừa rồi, nhiều hộ chẳng mấy chóc đã trở thành triệu phú, vợ chồng chị đã quyết tâm thuê 2 công đất với giá thuê 20 triệu đồng/năm để đầu tư. Không có vốn, anh chị buộc phải mua giống, phân bón chịu từ đại lý với mức lãi suất là 2% tháng.
Đến nay, khi gừng bắt đầu vào vụ thu hoạch thì phát sinh mầm bệnh, dù đã làm mọi cách nhưng mầm bệnh vẫn lây lan nhanh. Giờ đây đại lý đã ngưng cung ứng phân bón vì sợ gia đình chị không có khả năng chi trả. Gừng mất trắng, khoảng nợ hơn 20 triệu mà gia đình chị phải gánh thì cứ đều đặn lớn dần thêm theo tháng. Đó là chưa kể tiền mướn đất khiến gia đình chị giờ đây khó có khả năng chi trả.
Hiện tại, giá gừng được các thương lái đến thu mua dao động từ 4.000-5.000 đồng/kg, nếu trừ chi phí nhân công thu hoạch bình quân 1.000 đồng/kg thì đúng bằng mức giá thấp điểm hồi những năm 2013. Điều đáng nói, hiện tình trạng người dân thu hoạch gừng non nhằm “chạy” bệnh đã khiến cho hàng loạt thương lái bắt đầu o ép giá, thậm chí từ chối không mua.
Chị Non cho biết: “2 công gừng của gia đình khi mới phát sinh bệnh, vì thế gia đình đã gọi thương lái đến thu mua, họ cho biết nếu mua sẽ chỉ có mức giá khoảng 4.000 đồng/kg, chi phí thu hoạch chúng tôi tự chịu, không như năm trước khi đã mua thì thương lái sẽ tự thu hoạch hết. Vì thế trừ ra chúng tôi chỉ còn 3.000 đồng/kg. Chúng tôi dự tính, với khoảng 4 tấn gừng sau khi thu hoạch vẫn còn mắc nợ trên dưới 30 triệu đồng. Nhưng bán được đã là may mắn, hồi sáng này tôi gọi điện thoại cho họ thì họ nói không mua nữa vì dội hàng, giờ chúng tôi không biết phải làm sao.”
Ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó Chủ tịch xã Biển Bạch Đông cho biết: “Năm 2014, giá gừng tăng cao một cách đột biến, có thời điểm gần 30.000 đồng/kg, bình quân 1 ha cho thu nhập gần 1 tỷ đồng đã làm cho người dân nơi đây tự phát phá mía trồng gừng. Hiện diện tích trồng gừng đã tăng từ vài ha nhỏ lẻ lên gần 110 ha. Tuy nhiên, hiện tình hình gừng bị thiệt hại đã trên dưới 50 ha. Những nơi phát sinh mầm bệnh xã đã vận động người dân nên nhanh chóng bán gừng để hạn chế thiệt hại.”
Người dân nắm đằng lưỡi
Trong bài “Phía sau nỗi lo phá mía trồng gừng” được phản ánh từ đầu mùa vụ năm nay, có cảnh báo về tình trạng đây chỉ là cơn sốt giá ảo, nhất thời vì đầu ra bấp bênh. Bên cạnh đó là những băn khoăn về tình trạng giống kém chất lượng và nếu người dân cứ ồ ạt chuyển sang trồng rất có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thì đến nay thực tế đã chứng minh những trăn trở kia là hoàn toàn có cơ sở.
“Khi người dân tự phá quy hoạch để trồng gừng, địa phương đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm tránh tình trạng gừng lại mất giá thê thảm như những năm 2013. Nhưng vì lợi nhuận trước mắt quá lớn, người dân đã ồ ạt tự chuyển sang trồng. Trong tình huống đó, buộc địa phương phải tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tổ chức tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật giúp cho người dân có thể áp dụng vào trồng gừng có hiệu quả. Nhưng việc tìm đầu ra cho gừng thì xã vẫn chưa làm được, các thương lái tự tìm đến nông dân thỏa thuận mua bán với nhau,” ông Thoàn thừa nhận.
Bên cạnh đó, theo nhiều người dân địa phương cho biết, năng suất của gừng năm nay giảm đi rất lớn. Nếu như năm trước bình quân gừng có năng suất khoảng 7-8 tấn/công, thậm chí lên đến 15-16 tấn/công thì hiện bình quân chỉ từ 2-3 tấn.
Ông Nguyễn Văn Sinh, ngụ ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, người có kinh nghiệm trồng gừng của địa phương cho biết: “Đất đã trồng gừng thì chỉ trồng được 1 vụ, mùa sau phải chuyển sang loại cây khác. Bởi khi trồng gừng sẽ tồn đọng trong đất lượng lớn nắm, sinh vật gây bệnh đạo ôn…năm sau trồng lại rất dễ gây ra bệnh thối củ. Còn tình trạng đất mới chuyển sang trồng vụ đầu nhưng năng suất vẫn thấp, bị bệnh phần nhiều là do giống gừng bị thoái hóa. Bởi giống có xuất xứ từ việc thương lái mua gừng của hộ này rồi đem đến vùng khác bán gừng giống, qua bước trung gian để kiếm lời. Vì thế gừng giống vốn là gừng người dân tự mua của nhau chứ không phải gừng giống chất lượng từ vùng trên chuyển xuống như lời họ quảng cáo.”
Ông chia sẻ thêm: “Nhiều hộ ở đây được các thương lái “khuyên” nên xịt thuốc tăng trưởng để có củ to bán có lời rồi thu mua bán lại gừng giống. Gừng giống như vậy khi đem trồng cho năng suất thấp đã là may mắn vì chúng tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh rất lớn.”
Mặt khác, như đã phản ảnh, tình trạng đầu ra của sản phẩm này đã bấp bênh nay lại càng bấp bênh hơn. Khi nhiều người trồng gừng nơi đây cho biết, gừng được bán cho thương lái tự do từ nơi khác đến, họ đi đến đâu thấy có gừng là vào hỏi, được giá thì đặt cọc mua, còn mua làm gì, vận chuyển đi đâu thì cũng không ai biết.
Ông Lê Văn Được, ngụ cùng ấp cho biết: “Hỏi thì thương lái nói vận chuyển về Kiên Giang, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh có vựa. Còn người khác thì nói vận chuyển qua biên giới để tiêu thụ. Thực hư vận chuyển đi đâu, làm gì thì không ai biết.” Khi được đề nghị cho số điện thoại thương lái để chúng tôi liên lạc. Nhưng sau nhiều lần cố gắng liên lạc cho nhiều thương lái khác nhau vẫn có kết quả chung là không ai bắt máy.
Quả thực, việc không có đầu ra ổn định, người trồng gừng tự làm ăn với các thương lái mập mờ như thế này thì không khác gì việc cầm một con dao mà rõ ràng đang nắm phần lưỡi!
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Trong những năm tới bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, thì chúng tôi sẽ quy hoạch lại vùng trồng gừng cho bà con. Mặt khác, tập trung khuyến khích người dân nên đa dạng cây trồng, làm sao tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Đặc biệt, những diện tích gừng bị nhiễm bệnh trong năm nay người dân không nên tái trồng gừng vì như thế rất dễ tái phát mầm bệnh, bởi trồng gừng thì biện pháp phòng bệnh vẫn chính yếu, vì hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh thối củ trên gừng”./.