Phần Lan "bật đèn xanh" cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Phần Lan đã cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng đường ống khí ga Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Luật Biển Phần Lan.
Phần Lan "bật đèn xanh" cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 trước lễ khai trương tại vịnh Portovaya, tây bắc nước Nga ngày 8/10/2015. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 12/4, Phần Lan đã thông qua lần cuối cho phép dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức chạy dưới đáy biển Baltic.

Thông báo từ Cơ quan Hành chính Khu vực miền Nam Phần Lan cho biết cơ quan này đã cấp giấy phép cần thiết cho việc xây dựng đường ống khí ga Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Luật Biển Phần Lan.

Hiện dự án này còn cần được Nga, Thụy Điển và Đan Mạch thông qua. Nếu được thông qua, việc xây dựng đường ống sẽ được bắt đầu sớm nhất là trong năm nay.

[Đức nhấn mạnh vai trò của Ukraine ở dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Tháng Ba vừa qua, Chính phủ Đức đã cấp giấy phép cho việc bắt đầu xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 trên lãnh thổ và lãnh hải của nước này. Tuy nhiên, ngày 10/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết không thể triển khai kế hoạch xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 ngầm dưới biển vận chuyển khí đốt từ Nga nếu không có sự can dự của Ukraine với vai trò trung chuyển trên đất liền.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án mở rộng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc nối Nga và Đức chạy dưới đáy biển Baltic mà không cần trung chuyển qua Ukraine, Belarus, Ba Lan, các nước Baltic và Đông Âu.

Đường ống này sẽ đi theo lộ trình của Dòng chảy phương Bắc và qua các khu kinh tế đặc biệt và vùng biển của 5 nước Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Đường ống có chiều dài hơn 1.200km, có công suất 55 tỷ m3 khí/năm và dự kiến đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.