Ngày 11/4, Ukraine đã từ chối một đề xuất của Tập đoàn khí đốt Gazprom về việc giảm lượng khí đốt của Nga cung cấp sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine, cho rằng đề xuất này không có lợi đối với Kiev.
Trước đó một ngày, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết có thể duy trì việc vận chuyển khí đốt sang châu Âu thông qua đường ống dẫn của Ukraine sau năm 2019, khi hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Moskva và Kiev ký năm 2009 hết hiệu lực, với điều kiện sẽ giảm khối lượng và theo hợp đồng rõ ràng.
Đề xuất này được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc thúc đẩy một thỏa thuận cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Gazprom là bất khả thi nếu không được quá cảnh qua Ukraine.
Đây là là dự án mở rộng tuyến đường ống dẫn khí đốt nối từ Nga tới Đức qua biển Baltic.
Ukraine đã bày tỏ phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 do lo ngại dự án này sẽ làm suy yếu vai trò truyền thống của Ukraine như một quốc gia trung chuyển chính cho hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu.
Tuy nhiên, người đứng đầu Gazprom Alexei Miller khẳng định công ty này chưa bao giờ có ý định chấm dứt việc vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine và có thể duy trì khối lượng vận chuyển ở mức 10-15 tỷ m3/năm.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 11/4, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Igor Nasalyk cho rằng khối lượng khí đốt mà Gazprom đề xuất quá ít và do đó không mang lại lợi ích cho quốc gia Đông Âu này.
Theo ông Nasalyk, Ukraine sẽ phải đầu tư các nguồn lực riêng để duy trì việc vận chuyển khí đốt của Nga với khối lượng do Gazprom đề xuất.
Quan chức này cho rằng Nga cần cung cấp ít nhất 40 tỷ m3/năm để đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế cho Kiev.
Trong những năm gần đây, vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đã giảm đáng kể, đặc biệt từ khi tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 qua vùng Baltic được vận hành.
Lượng khí đốt mà Gazprom đề xuất là một phần nhỏ của khối lượng khí đốt mà Nga muốn cung cấp cho các nước châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine một khi thỏa thuận năm 2009 trên hết hiệu lực.
Năm ngoái, hơn 93 tỷ m3 khí đốt đã được vận chuyển từ Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine, chiếm 1/2 tổng lượng khí đốt các nước Liên minh châu Âu (EU) mua của Gazprom.
Hiện, tập đoàn Nga cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước EU./.