Từ một nghề truyền thống địa phương hình thành từ thế kỷ 18, nước mắm Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận trở thành đặc sản nổi tiếng, khẳng định thương hiệu uy tín, chất lượng không những thị trường trong nước mà thị trường ngoài nước cũng ưa chuộng.
Để nâng tầm thương hiệu nước mắm Phan Thiết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn đầu tiên trên địa bàn, mô hình đã phát huy những hiệu quả bước đầu.
Nước mắm là một trong những thương hiệu đặc trưng của tỉnh Bình Thuận được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian qua.
Trên địa bàn thành phố Phan Thiết hiện có hơn 150 cơ sở chế biến nước mắm theo phương thức truyền thống, cung cấp hàng triệu lít nước mắm cho thị trường mỗi năm.
Thương hiệu và các sản phẩm nước mắm Phan Thiết đang được công nhận tại châu Âu và châu Á như Mỹ, Thái Lan… Để xuất khẩu sang các thị trường này, nước mắm Phan Thiết đã trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trước thực trạng phần lớn cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ và sản xuất thủ công; chất lượng nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quan tâm…
Từ năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Thuận đã triển khai xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn đầu tiên với sản lượng 300.000 lít/năm.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với nước mắm. Sản lượng nước mắm có nguồn gốc được kiểm soát đạt gần 6 triệu lít/năm, chiếm gần 18% tổng sản lượng nước mắm hằng năm của tỉnh.
Bà Ngô Minh Uyên Thảo, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bình Thuận cho biết, chuỗi cung ứng nước mắm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như công đoạn khai thác, đánh bắt, thu gom, vận chuyển, chế biến, đóng gói và phân phối tiêu thụ.
[Hội Bảo vệ Người tiêu dùng: Cần có định nghĩa chuẩn về nước mắm]
Việc thực hiện tổ chức liên kết, cam kết trách nhiệm và kiểm soát chất lượng tại các công đoạn trong quá trình sản xuất chuỗi giúp các cơ sở được hướng dẫn, làm quen và áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi (HACCP).
Từ đó, giúp hạn chế tối đa sản phẩm kém chất lượng, tình trạng an toàn thực phẩm được kiểm soát, các cơ sở tham gia chuỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các cơ sở tham gia chuỗi còn được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, góp phần quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, thông qua lôgô nhận diện “sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn” giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác để lựa chọn sản phẩm; đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát được an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, truy xuất được nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Cơ sở sản xuất nước mắm Mai Hương ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết là một trong những cơ sở tham gia chuỗi cung ứng nước mắm an toàn. Trong chuỗi, cơ sở này nằm ở khâu chế biến, đóng gói, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ.
Theo ông Phạm Cao Khương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Mai Hương, việc tham gia chuỗi là thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất với người tiêu dùng và cộng đồng về sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.
Cơ sở hiện thu mua cá của 25 tàu cá, một công ty muối tham gia trong chuỗi để sản xuất nước mắm. Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất ra hơn 1,5 triệu lít nước mắm. Ngoài đóng gói tiêu thụ trong tỉnh, cơ sở cung cấp nước mắm thô cho các công ty chế biến nước mắm, nước chấm từ 800.000 đến 1 triệu lít/năm.
Trong quá trình sản xuất nước mắm, ngay từ đầu khi thu mua nguyên liệu từ các tàu cá, cơ sở đã có ký kết với các chủ tàu dưới sự quản lý của Chi cục chất lượng quản lý nông lâm thủy sản Bình Thuận về cam kết tuyệt đối không có chất phụ gia như chất bảo quản, urê…
Khi vào đến xưởng, kỹ thuật của nhà sản xuất phải kiểm tra, đảm bảo cá đạt yêu cầu sản xuất không được ươn, không có tạp chất. Trong quá trình sản xuất, phải tuân thủ vấn đề chăm sóc lều chợp (nơi sản xuất nước mắm), thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi cung cấp nước mắm cho nhà phân phối, nhà phân phối sẽ tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu theo yêu cầu về muối, axit amin, đạm… Nếu đúng tiêu chuẩn nhà phân phối sẽ tiến hành nhập hàng, ông Khương chia sẻ.
Công ty cổ phần thực phẩm Hồng Phú là một trong 4 cơ sở kinh doanh, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng nước mắm an toàn trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm công ty tiêu thụ khoảng 10-12 triệu lít nước mắm nguyên liệu từ các nhà chợp, cơ sở sản xuất nước mắm ban đầu tại thành phố Phan Thiết. Hiện nay, sản phẩm nước mắm của công ty Hồng Phú đã được xác nhận và cấp tem, lô gô “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.”
Ông Huỳnh Văn Tèo, Công ty cổ phần thực phẩm Hồng Phú cho biết, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là điều thiết yếu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Xuất phát từ tiêu chí đó công ty đã quyết định tham gia chuỗi cung ứng nước mắm an toàn.
Trong quá trình tham gia, thuận lợi lớn nhất là các cơ sở chế biến, cung cấp nguyên liệu ban đầu trong chuỗi đều là các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Lợi ích chuỗi mang lại cho doanh nghiệp trước mắt là tạo ra dòng sản phẩm an toàn hơn, tạo dựng niềm tin cho khách hàng; đồng thời, khi tham gia chuỗi, công ty được hỗ trợ xúc tiến thương mại từ đó sản phẩm được quảng bá rộng rãi góp phần thúc đẩy tiêu thụ với sản lượng nhiều hơn.
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết cho biết, sản xuất nước mắm là nghề truyền thống từ bao đời nay của người dân Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung.
Từ lâu, sản phẩm nước mắm Phan Thiết đã trở thành sản phẩm chủ lực, là đặc sản của tỉnh với hương vị đặc trưng. Để nâng cao sức cạnh tranh, dù là trong nước, nước mắm truyền thống Phan Thiết càng phải giữ vững chất lượng, gìn giữ thương hiệu.
Toàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp và hơn 80 hộ kinh doanh chế biến nước mắm, ngoài ra còn có hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ khác với tổng sản lượng bình quân khoảng 36 triệu lít/năm. Cơ sở sản xuất nước mắm tập trung nhiều nhất là tại phường Phú Hài, phường Hàm Tiến-thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi.
Tỉnh Bình Thuận cũng xác định nước mắm là sản phẩn lợi thế của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Để nâng cao chất lượng, giá trị của nước mắm Phan Thiết, tỉnh đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện. Trong đó, hướng tới mục tiêu đổi mới và nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp hiện có và các doanh nghiệp mới dựa trên nguồn nguyên liệu và tiềm năng lợi thế, phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và phục vụ xuất khẩu.
Tin rằng, với thương hiệu sẵn có, cùng với sự chủ động, nỗ lực của từng doanh nghiệp và sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, nước mắm truyền thống Phan Thiết sẽ tiếp tục giữ vững được thương hiệu để không ngừng phát triển./.