Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" diễn ra trong hai ngày 17 và 18/11 tại thành phố Đà Nẵng, các học giả và các nhà nghiên cứu đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông.
Theo cựu Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân Miền Đông, Ấn Độ, trong suốt chiều dài lịch sử, quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên luôn là động lực chính dẫn đến xung đột, cạnh tranh và vị thế chiến lược...
Biển Đông là một trong những vùng biển có trữ lượng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới, với nguồn hải sản hết sức phong phú.
Bên cạnh đó, hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới gồm dầu khí, hàng hóa container và nguyên liệu thô thiết yếu, đều đi qua Biển Đông.
Tuyến đường biển này có vai trò không thể thay thế trong hoạt động lưu thông hàng hóa ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và quan trọng hơn là đối với hoạt động xuất khẩu của các nước ven biển đến phần còn lại của thế giới.
Gần một nửa hoạt động thương mại về hàng hóa trên toàn cầu phụ thuộc chủ yếu vào sự bình yên của vùng biển này.
Một vài năm trở lại đây, sự bình yên đó bị đe dọa do các bên đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các không gian mở đại dương vốn là tài sản chung của nhân loại, chứ không thuộc về một quốc gia riêng lẻ.
Trong bối cảnh như vậy, người ta đang tự hỏi về tương lai của khu vực trọng yếu này, trừ khi các bên liên quan ngừng các hoạt động đơn phương, quyết đoán và tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc được quy định trong UNCLOS và các quy ước quốc tế khác.
Yêu sách Đường chín đoạn là không có cơ sở luật pháp, bởi người ta không thể yêu sách đại dương nằm bên ngoài lãnh hải.
Cộng đồng thế giới phải lên tiếng và ủng hộ các quốc gia ven Biển Đông bằng việc kêu gọi tự do hàng hải và gìn giữ không gian biển như là di sản chung của nhân loại, cho đến khi các bên liên quan đạt được một giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp lãnh thổ.
Cựu Chuẩn Đô đốc Akimoto Kazumine, Nghiên cứu viên cấp cao, Quỹ Nghiên cứu Chính sách Hải Dương Nhật Bản cho rằng nếu như lưu thông trên các tuyến đường biển quan trọng bị gián đoạn thì hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu là rất lớn.
Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của các nước trong khu vực giống như động mạch chính phân bổ vật chất để duy trì sự phát triển của nền kinh tế... vì vậy cần phải tạo nên một sự ổn định vì mục tiêu an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Giáo sư Ji You, Nghiên cứu viên Cấp cao, Viện Đông Á, Đại học quốc gia Singapore thì cho rằng, căng thẳng Biển Đông đã leo thang nhanh chóng kể từ năm 2010.
Có một số lý do dẫn đến tình trạng leo thang tranh chấp theo chiều xoắn ốc này... Tuy nhiên, kịch bản tranh chấp leo thang thành chiến tranh ở Biển Đông không phải là không thể tránh được.../.