Phản ứng của Nga đối với phương Tây về chính sách áp giá trần

Nga lên tiếng cảnh báo chính sách áp giá trần đối với dầu Nga có thể làm phức tạp thêm thị trường toàn cầu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mọi quốc gia.
Phản ứng của Nga đối với phương Tây về chính sách áp giá trần ảnh 1Tàu chở khí đốt neo tại cảng ở Saint Petersburg, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều nước phương Tây đã nhất trí áp giá trần đối với dầu Nga trong vài ngày tới.

Đáp lại, Nga đã lên tiếng cảnh báo chính sách này có thể làm phức tạp thêm thị trường toàn cầu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mọi quốc gia.

Quyết tâm của phương Tây

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia ngày 2/12 cho biết đã nhất trí về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga ở mức 60 USD/thùng, dự kiến bắt đầu sớm nhất là từ ngày 5/12.

Tuyên bố chung của Nhóm G7 và Australia được đưa ra không lâu sau khi Ba Lan thông báo đồng ý với kế hoạch tương tự của Liên minh châu Âu (EU), theo đó giữ cho giá trần đối với dầu mỏ Nga thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%.

[Nga: Việc phương Tây áp giá trần dầu mỏ là "động thái nguy hiểm"]

Đại sứ Ba Lan tại Liên minh châu Âu (EU) Andrzej Sados ngày 2/12 thông báo nước này đã nhất trí với thỏa thuận của khối trong việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng, mở đường để EU hướng tới mục tiêu chính thức thông qua thỏa thuận vào cuối tuần này.

Theo dự thảo thỏa thuận, các nước EU sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó là định kỳ 2 tháng 1 lần.

Giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày sẽ được áp dụng đối với những tàu nhận dầu của Nga trước ngày 5/12 và sẽ được giao tại điểm cuối trước ngày 19/1/2023.

Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận do EU và G7 đề xuất nhằm áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga.

Phát biểu với báo giới, Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ rằng thật đáng mừng khi các nước cùng nhau hướng tới một mức giá trần, nhằm giảm nguồn thu từ thị trường dầu mỏ của Nga.

Về phía Ukraine, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, cho rằng giá trần đối với mặt hàng dầu thô của Nga cần được hạ xuống 30 USD/thùng để nền kinh tế Nga chịu thiệt hại nặng hơn.

Phản ứng của Nga

Ngày 3/12, Nga cho biết sẽ tiếp tục tìm người mua, bất chấp những nỗ lực "nguy hiểm" của các chính phủ phương Tây nhằm đưa ra mức trần giá đối với xuất khẩu dầu của nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao của Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng chương trình áp giá trần.

Phản ứng của Nga đối với phương Tây về chính sách áp giá trần ảnh 2Công nhân kiểm tra các hoạt động bơm dầu tại giếng dầu Gremikhinskoye ở Izhevsk, vùng Ural, Nga. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban chính sách kinh tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Ivan Abramov, cảnh báo việc áp giá trần đối với dầu từ Nga sẽ khiến giá nhiên liệu trên toàn thế giới tăng cao đột ngột.

Đăng trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhấn mạnh các bước đi như trên chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả bất ổn gia tăng và áp đặt chi phí cao hơn cho các khách hàng cung cấp nguyên liệu thô.

Đại sứ quán Nga tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục tìm khách hàng có nhu cầu mua dầu, đồng thời chỉ trích hành động được xem là "định hình lại" các nguyên tắc thị trường tự do.

Vào tháng Chín vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi bình luận về ý tưởng của phương Tây nhằm áp giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga, tuyên bố Moskva sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều này trái với lợi ích của chính nước Nga.

Tổng thống Putin để ngỏ khả năng nước này sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và khí đốt nếu các nước phương Tây áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của nước này.

Đầu tháng Mười, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ việc áp giá trần của phương Tây.

Theo hãng tin TASS của Nga, trong tuyên bố, Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh Nga phản đối các công cụ phi thị trường như vậy, cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng, khi dẫn tới thâm hụt, tăng giá và người tiêu dùng sẽ là bên chịu thiệt hại.

Ông nêu rõ Nga sẽ chỉ cung cấp dầu cho những bên ủng hộ cơ chế giá cả thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.