Phản ứng trái chiều của các nước về thỏa thuận TPP vừa đạt được

Australia cho rằng TPP sẽ mở ra những cơ hội giao thương lớn, trong khi đó các đại diện cho lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của New Zealand lại bày tỏ sự thất vọng về thỏa thuận vừa đạt được.
Phản ứng trái chiều của các nước về thỏa thuận TPP vừa đạt được ảnh 1Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Theo các quan chức Australia, việc nước này ngày 6/10 quyết định ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra những cơ hội giao thương lớn, giúp giữ vững nền kinh tế khi thời kỳ bùng nổ khai mỏ trong thập niên này qua đi.

Trong một tuyên bố ngày 6/10, Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb nói rằng TPP sẽ giúp hoạt động kinh doanh trong khu vực trở nên dễ dàng hơn, cho phép các nhà xuất, nhập khẩu giao dịch tự do và được miễn thuế.

Ông cho rằng hiệp định này sẽ làm giảm bớt các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ và đầu tư của Australia và dỡ bỏ 98% thuế quan đối với mọi hàng hóa.

Ông cũng nhận định TPP sẽ tạo thêm việc làm cho người Australia và thúc đẩy nền kinh tế đã chậm lại đáng kể sau khi sự bùng nổ trong ngành khai mỏ kết thúc vào năm 2014.

Theo ông, là một hiệp định thương mại khu vực, TPP đưa đến những lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp lớn hơn những gì mà các hiệp định tự do thương mại song phương mang lại.

Trong khi đó, phát biểu trên đài phát thanh 3AW của Melbourne, Thủ tướng Malcolm Turnbull nói việc dỡ bỏ thuế quan sẽ tạo ra thêm những cơ hội xuất khẩu cho người nông dân và các nhà sản xuất Australia khi các chi tiết của hiệp định mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển ra bên ngoài Australia.

Về phía Nhật Bản, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thỏa thuận đạt được, Thủ tướng Shinzo Abe trong cùng ngày nói rằng nước này đã đạt được những kết quả có thể nhất trong đàm phán TPP, nhưng chính phủ sẽ thành lập một nhóm có nhiệm vụ đẩy lùi những tác động tiêu cực từ việc tự do hóa thị trường hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Abe hoan nghênh thỏa thuận lịch sử nói trên, nói rằng TPP sẽ tạo ra một hệ thống kinh tế quốc tế tự do, công bằng và dựa trên các quy định.

Ông cũng hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc vào TPP trong tương lai, cho rằng nước này sẽ có đóng góp đáng kể vào an ninh quốc gia của các nước và sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Với New Zealand, các đại diện cho lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của nước này ngày 6/10 bày tỏ sự thất vọng về thỏa thuận vừa đạt được. Các nhà thương lượng của New Zealand đã không giành được sự tiếp cận thị trường cho ngành bơ sữa đáng kể như các hàng hóa khác.

Các nhà xuất khẩu bơ sữa New Zealand sẽ được quyền tiếp cận ưu đãi với các hạn ngạch mới vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico, cùng với với việc dỡ bỏ thuế đối với một số sản phẩm.

Bộ trưởng Thương mại Tim Groser giãi bày rằng một thỏa thuận tốt hơn là điều mà ông mong muốn nhưng cần phải chấp nhận những gì có được.

Thủ tướng John Key nói rằng chính phủ thất vọng khi đó không phải là một thỏa thuận dỡ bỏ toàn bộ thuế với các sản phẩm bơ sữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.