Pháp bắt đầu tiến hành chuyển trực tiếp khí đốt sang Đức

Công suất tối đa của đường dẫn khí là 100 GWh/ngày, tương đương công suất của 4 lò phản ứng hạt nhân, hoặc 10% tổng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng mà Pháp nhập khẩu mỗi ngày.
Pháp bắt đầu tiến hành chuyển trực tiếp khí đốt sang Đức ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, công ty GRTgaz điều hành mạng lưới đường ống dẫn khí đốt của Pháp thông báo đã bắt đầu chuyển khí đốt sang Đức.

Việc chuyển khí đốt này là một trong những cam kết của Pháp nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc khủng hoảng năng lượng.

Công ty GRTgaz nêu rõ lượng khí đốt tương đương khoảng 31 GWh/ngày bắt đầu chảy vào sáng sớm 13/10.

[Na Uy triển khai tàu giám sát đường ống vận chuyển khí đốt sang Đức]

Công suất tối đa của đường dẫn khí là 100 GWh/ngày, tương đương công suất của 4 lò phản ứng hạt nhân, hoặc 10% tổng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng mà Pháp nhập khẩu mỗi ngày.

Tổng Giám đốc GRTgaz Thierry Trouve nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử Pháp chuyển trực tiếp khí đốt sang Đức.

Cho đến nay, Pháp chỉ chuyển khí đốt sang Đức qua lãnh thổ Bỉ.
Trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống vận chuyển khí đốt của GRTgaz được thiết kế để chỉ nhận khí đốt từ Đông Âu.

Tuy nhiên, cách đây vài tháng, công ty GRTgaz đã bắt đầu điều chỉnh mạng lưới đường ống để chuyển khí đốt sang Đức.

Việc vận chuyển khí đốt từ Pháp sang Đức được thực hiện trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác năng lượng đạt được giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tháng 9 vừa qua.

Pháp sẽ chuyển khí đốt sang nước láng giềng nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn.

Nguồn cung từ Pháp sẽ cho phép Đức sản xuất thêm điện năng.

Đổi lại, sản lượng điện này có thể được cung cấp vào mạng lưới điện của Pháp trong giờ cao điểm do khoảng 50% trong tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân của nước này vẫn tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng và kiểm tra độ an toàn.

Nền kinh tế Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, Nga đã cắt giảm lượng khí đốt xuất khẩu sang các nước châu Âu sau khi EU áp các lệnh trừng phạt chống Nga liên quan xung đột tại Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.