Pháp "bật đèn xanh" kéo dài hoạt động nhà máy điện hạt nhân lâu đời

ASN cho biết 32 nhà máy điện hạt nhân của Pháp sẽ được phép tiếp tục hoạt động thêm một thập kỷ, nâng "tuổi thọ" tiềm năng của các cơ sở này lên 50 năm thay vì 40 năm như dự kiến ban đầu.
Pháp "bật đèn xanh" kéo dài hoạt động nhà máy điện hạt nhân lâu đời ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Ngày 25/2, giới chức Pháp đã "bật đèn xanh" cho việc kéo dài thời hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất nước trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang nỗ lực nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của đất nước.

Năng lượng hạt nhân hiện cung cấp gần 70% điện năng của Pháp, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Pháp đã hy vọng giảm tỷ lệ đó xuống còn 50% vào năm 2035 thay vì năm 2025 như kế hoạch ban đầu với sự hỗ trợ của năng lượng tái tạo.

Nước này đã cho ngừng xây dựng các lò phản ứng mới và hiện Pháp có 56 lò phản ứng hạt nhân, đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ với 85 lò.

Trong tuyên bố mới nhất, Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN) thông báo 32 nhà máy điện hạt nhân của nước này với công suất 900 megawatt, chủ yếu được xây dựng vào những năm 1980, sẽ được phép tiếp tục hoạt động thêm một thập kỷ, nâng "tuổi thọ" tiềm năng của các cơ sở này lên 50 năm thay vì 40 năm như dự kiến ban đầu.

Do đó, các nhà máy điện hạt nhân sẽ không bị ngừng hoạt động trước cuối những năm 2020 hoặc thậm chí cuối những năm 2030, tùy thuộc vào ngày chính thức đi vào hoạt động.

[Thụy Sĩ chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên]

Cứ mỗi 10 năm, tình trạng an toàn của các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp lại được kiểm tra và đánh giá lại. ASN đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Pháp EDF, đơn vị quản lý các nhà máy hạt nhân, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn và an ninh tại các nhà máy này.

Phó Tổng Giám đốc ASN Julien Collet cho biết mục đích chính là "hạn chế hậu quả của bất kỳ tai nạn nào, đặc biệt là mọi tai nạn nghiêm trọng liên quan đến sự cố tan chảy của lò phản ứng."

Ngoài ra, một mục tiêu khác là cải thiện khả năng chống chịu của các nhà máy trước những "cú sốc" bên ngoài như động đất, lũ lụt, thời tiết cực đoan hay hỏa hoạn ở lò phản ứng.

Các nhà vận động chống hạt nhân từ lâu đã yêu cầu đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân lâu đời ở Pháp. Năm ngoái, EDF đã cho đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất nước này Fessenheim sau 43 năm hoạt động.

Hồi năm 2020, Chính phủ Pháp thông báo mục tiêu tới năm 2035 sẽ đóng cửa thêm 12 lò phản ứng gần đạt ngưỡng hoặc đã vượt quá giới hạn 40 năm hoạt động. Dự kiến ở thời điểm này, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 50% trong tổng nguồn năng lượng tiêu thụ ở Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.