Ngày 1/7, chính quyền thành phố Paris (Pháp) đã cấm toàn bộ việc ra vào khu vực trung tâm thành phố với các phương tiện vận tải chạy dầu diesel có 13 năm sử dụng trở lên.
Đây là động thái mới nhất của Paris trong chiến dịch giải quyết tình trạng ô nhiễm trên các con phố.
Cụ thể, ôtô, xe tải và xe máy chạy dầu diesel có 13 năm sử dụng trở nên bị cấm hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố nhằm làm sạch bầu không khí trong thành phố thường bị bao trùm bởi khói bụi.
Nếu vi phạm, tiền phạt quy định là 68 euro (khoảng 77 USD) đối với người lái xe máy, và tăng lên 135 euro đối với người lái xe tải và xe buýt.
Chính quyền thành phố Paris đã cấm lưu thông trong nội thành với các ôtô chạy dầu diesel có 18 năm sử dụng và ôtô chạy xăng 21 năm sử dụng, một biện pháp nhằm mở rộng vành đai "khí phát thải thấp" bao quanh thành phố.
[Pháp: Người dân kiện chính quyền vì ô nhiễm môi trường]
Tổ chức Hòa bình Xanh đã liệt Paris vào danh sách thủ đô có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất ở Tây Âu trong năm 2018 với mật độ tập trung bụi mịn trong không khí cao hơn so với các thủ đô khác.
Hiện, chính quyền thành phố cũng "mạnh tay" đối với những phương tiện gây ô nhiễm tại các quận ở nằm quanh khu vực trung tâm thành phố, nơi có khoảng 5,5 triệu người dân sinh sống.
Tuy nhiên, những đối tượng vi phạm ở các vùng ngoại ô thủ đô Paris, nơi phương tiện đi lại chính là ôtô, lại không bị phạt tiền trong thời gian 2 năm đầu lệnh cấm có hiệu lực.
Chính quyền thành phố Paris đồng ý với giai đoạn "miễn phạt" trên do lo ngại lệnh cấm này có thể kích động các cuộc biểu tình "Áo vàng" từng bùng phát hồi năm ngoái bắt nguồn từ nỗi tức giận của các lái xe do chính phủ tăng giá nhiên liệu.
Ngoài các biện pháp trên, Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo còn khuyến khích người dân đi bộ và đi xe đạp nhằm làm giảm tình trạng khói do các phương tiện giao thông gây ra trong thành phố.
Paris đặt mục tiêu loại bỏ ôtô chạy dầu diesel vào thời điểm thành phố này đăng cai tổ chức Olympics mùa Hè năm 2024.
Chất lượng không khí đã trở thành một vấn đề cấp bách đối với chính phủ các nước châu Âu. Hồi tháng 11/2018, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã "theo gương" một số thành phố khác ở châu Âu hạn chế ôtô lưu thông tại khu vực trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, Madrid còn mạnh tay hơn khi cấm ôtô ra vào khu vực trung tâm thành phố và phạt nặng nếu vi phạm.
Trong khi đó, các thành phố khác như London (Anh), Stockholm (Thụy Điển) và Milan (Italy) chỉ ngăn lái xe đi vào trung tâm thành phố bằng cách đánh thuế gây tắc nghẽn giao thông.
Theo Bộ Y tế Pháp, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 48.000 trường hợp tử vong/năm tại nước này, trở thành "sát thủ" lớn thứ hai, sau thuốc lá./.