Pháp công bố gói hỗ trợ gần 15 tỷ euro giải cứu ngành hàng không

Nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ, sẽ có khoảng 1/3 số việc làm trong ngành hàng không Pháp biến mất, tương đương khoảng 100.000 trong tổng số 300.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Pháp công bố gói hỗ trợ gần 15 tỷ euro giải cứu ngành hàng không ảnh 1Máy bay của Hãng hàng không Air France tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris, Pháp ngày 12/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/6, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết chính phủ sẽ cung cấp gói cứu trợ 15 tỷ euro (16,9 tỷ USD) nhằm giúp ngành hàng không phục hồi từ cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Le Maire cho biết kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không này bao gồm một quỹ đầu tư với số tiền khởi điểm là 500 triệu euro và sẽ tăng lên 1 tỷ euro nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp tầm trung, và 300 triệu euro tiền viện trợ khác để trợ giúp các nhà thầu phụ trong ngành hàng không hiện đại hóa các nhà máy.

[BoF: Kinh tế Pháp cần hai năm để trở lại mức tiền khủng hoảng COVID-19]

Pháp cũng đầu tư 1,5 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) trong 3 năm để hỗ trợ việc nghiên cứu công nghệ hàng không mới thân thiện với môi trường, trong đó 300 triệu euro sẽ được giải ngân trong năm nay.

Trong 15 tỷ euro này có khoản cứu trợ 7 tỷ euro dành cho hãng hàng không Air France-KLM đã được công bố trước đó.

Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không sẽ giúp lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 này trở nên cạnh tranh hơn.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ, sẽ có khoảng 1/3 số việc làm trong ngành hàng không Pháp biến mất, tương đương khoảng 100.000 trong tổng số 300.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết sẽ đẩy nhanh  thực hiện các đơn đặt hàng quân sự trị giá khoảng 600 triệu euro (676 triệu USD), bao gồm kế hoạch mua 3 chiếc máy Airbus A330s mà sẽ chuyển thành các máy bay tiếp nhiên liệu, và 8 trực thăng Caracal vận chuyển binh lính.

Quân đội cũng sẽ tăng gấp đôi số đơn đặt hàng dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trị giá khoảng 100 triệu euro, nhằm phát triển các máy bay do thám hạng nhẹ và máy bay không người lái, quá đó đảm bảo 1.300 việc làm trong 3 năm tới.

Kế hoạch giải cứu ngành hàng không được công bố sau khi Tổng thống Emmanuel Macron cam kết dành 8 tỷ euro để giải cứu ngành công nghiệp ôtô, với trọng tâm phát triển thị trường xe điện.

Pháp cũng đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 triệu ôtô sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường trong vòng 5 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.