Pháp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất

Trọng tâm của sự kiện là lễ tưởng niệm chính diễn ra tại Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris ngày 11/11, với sự tham gia của khoảng 80 lãnh đạo thế giới.
Pháp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất ảnh 1Khải Hoàn Môn, một trong những biểu tượng lịch sử nổi tiếng của nước Pháp. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tuần này, Pháp sẽ tổ chức sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trọng tâm của sự kiện là lễ tưởng niệm chính diễn ra tại Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris ngày 11/11, với sự tham gia của khoảng 80 lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các lễ kỷ niệm tại Đài tưởng niệm liệt sỹ vô danh trên đại lộ Champs-Elysées sẽ được tổ chức trong điều kiện an ninh được thắt chặt sau một loạt vụ tấn công đẫm máu của các phần tử thánh chiến tại Pháp cách đây 3 năm.

Ngày 4/11, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thành phố cảng Strasbourg và tham dự buổi hòa nhạc ở Nhà thờ Gothic nhằm kỷ niệm tình bằng hữu giữa hai cựu thù thời chiến Pháp và Đức.

Trong tuần kỷ niệm, Tổng thống Pháp Macron sẽ công du tới một loạt khu vực ở miền Bắc và miền Đông nước Pháp bị chiến tranh tàn phá, thăm các chiến hào của Mặt trận phía Tây từ Verdun đến Somme, và tham dự nhiều lễ kỷ niệm với các nhà lãnh đạo Đức, Anh và Mali.

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ gặp ông Macron tại Somme vào ngày 9/11.

[60 lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Diễn đàn Hòa bình Paris vào tháng 11]

Ngày 10/11, ông Macron sẽ đến làng Rethondes, nơi ký hiệp định đình chiến, và gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ông Macron sẽ tận dụng sự chú ý của quốc tế đối với tuần lễ kỷ niệm này để kêu gọi chống chủ nghĩa dân tộc, tiếp nối lời cảnh báo gần đây của ông rằng thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học của các cuộc xung đột lớn trong thế kỷ XX. Ông cảnh báo chủ nghĩa dân tộc là "bệnh hủi đang lây lan ra toàn thế giới."

Dự kiến, sau lễ kỷ niệm chính ngày 11/11, các lãnh đạo thế giới sẽ tham dự một diễn đàn hòa bình kéo dài 3 ngày, do Thủ tướng Đức Merkel tổ chức - sự kiện mà ông Macron muốn biến thành một hội thảo hòa bình đa phương thường niên.

Bên cạnh việc kỷ niệm kết thúc chiến tranh, Tổng thống Macron cũng muốn tận dụng chuyến thăm để tới các khu vực miền Bắc bị ảnh hưởng bởi phi công nghiệp hóa.

Một trợ lý của ông cho biết: "Mỗi điểm dừng sẽ là một cơ hội để nói lên những lo ngại hiện nay trong các khu vực này, những nơi đang cố gắng khôi phục sau thời kỳ phi công nghiệp hóa hoặc các thay đổi lớn trong lĩnh vực nông nghiệp."

Nói cách khác, tuần lễ kỷ niệm này là cơ hội để ông Macron thể hiện hình ảnh một tổng thống mạnh cả về đối nội và đối ngoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.