Pháp muốn thỏa thuận mới với Anh về người xin tị nạn tại Calais

Thống đốc vùng Hauts de France cho rằng cần thay thế thỏa thuận Le Touquet, về việc kiểm soát người xin tị nạn tại Calais bằng việc áp dụng quy định "các điểm nóng" tại Calais.
Pháp muốn thỏa thuận mới với Anh về người xin tị nạn tại Calais ảnh 1Người tị nạn sơ tán khỏi trại tạm Jardin d'Eole, thủ đô Paris, Pháp ngày 6/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thống đốc vùng Hauts de France, (bao gồm cả thành phố Calais), miền Bắc nước Pháp, ông Xavier Bertrand, ngày 29/8 cho rằng cần thay thế thỏa thuận Le Touquet, về việc kiểm soát người xin tị nạn tại Calais bằng việc áp dụng quy định "các điểm nóng" tại Calais, để họ có thể trực tiếp xin tị nạn với Anh, thay vì chờ đợi tại Pháp, dẫn đến tình trạng "tắc nghẽn" người nhập cư tại thành phố cảng giáp giới Pháp - Anh này.

Trước đây quan điểm của Bộ Nội Vụ Anh là "những người xin tị nạn nên xin định cư tại điểm đến an toàn đầu tiên mà họ tới," trong khi đó theo đề xuất của ông Bertrand thì những người xin tị nạn bị Anh từ chối cần được trục xuất khỏi Pháp và đưa thẳng về nước, nhằm giảm tình trạng người xin tị nạn vào Anh bị dồn ứ tại Calais.

Theo thống kê, hiện có khoảng 9.000 người xin tị nạn đang tạm trú tại các trại tị nạn ở Calais, chờ chính quyền Anh xét duyệt.

Thỏa thuận Le Touquet, được ký giữa Anh và Pháp hồi năm 2003, theo đó cho phép lực lượng chức năng Anh kiểm tra hộ chiếu của những người xin tị nạn vào Anh tại Calais, và ngược lại, phía Pháp được tiến hành các thủ tục kiểm tra tương tự tại Dover (Anh) nếu người từ Anh muốn xin nhập cư vào Pháp.

Trong cuộc gặp Tổng thống Pháp François Hollande hồi tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng Anh và Pháp đã rất ăn ý trong việc kiểm soát đường biên giới chung tại Calais, và cho rằng "Le Touquet là một thỏa thuận tốt cho cả Anh và Pháp, và nên giữ nguyên thỏa thuận này ngay cả khi Anh rời EU"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.