Ngày 8/5, Phủ Tổng thống Pháp thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tại Libya sau cuộc hội đàm cùng ngày với Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj.
Tuyên bố của Phủ tổng thống Pháp cho biết: "Trong bối cảnh hiện nay, một đề xuất được đưa ra hướng tới một ranh giới ngừng bắn, dưới sự giám sát quốc tế" để chấm dứt chiến dịch quân sự của Tướng Khalifa Hafta - đứng đầu lực lượng hiện kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Đông Libya - nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Paris và GNA bùng phát sau khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch tấn công hôm 4/4 vừa qua và Thủ tướng Sarraj cáo buộc Chính phủ Pháp ngầm ủng hộ chiến dịch này.
Trước đó, Pháp đã bày tỏ quan điểm cho rằng Tướng Haftar là một nhân vật chủ chốt trong tiến trình tái thiết Libya sau nhiều năm xung đột.
[LHQ kêu gọi ngừng bắn tại Libya nhân tháng lễ Ramadan]
Trong cuộc hội đàm tại thủ đô Paris ngày 8/5 giữa ông Macron và ông Sarraj, Tổng thống Pháp khẳng định không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột tại Libya, đồng thời kêu gọi các phái Libya ngừng bắn vô điều kiện.
Kể từ sau khi lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi năm 2011, Libya rơi vào rối ren chính trị và vòng xoáy bạo lực, với sự tồn tại hai lực lượng tranh giành ảnh hưởng.
Lực lượng của Tướng Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông và GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Người phát ngôn của Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric ngày 8/5 cho biết Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại khi có tin các đợt không kích ngày 7/5 đã trúng một trung tâm dành cho người tị nạn ở Tajoura, phía Đông Tripoli, làm 2 người bị thương.
Ông cũng nhấn mạnh phái bộ Liên hợp quốc tại Libya quan ngại sâu sắc về tình trạng gia tăng các vụ bắt giữ tùy tiện, bắt cóc tống tiền nhằm vào các quan chức, các nhà hoạt động xã hội và phóng viên hiện nay tại nước này.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, giao tranh trong chiến dịch quân sự của Tướng Hafta từ ngày 4/4 vừa qua nhằm giành kiểm soát Tripoli đã làm 443 người thiệt mạng và 2110 người bị thương.
Chiến dịch này đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc nội chiến mới tại quốc gia Bắc Phi này./.