Pháp tăng kiểm soát biên giới trước kịch bản Anh không đạt Brexit

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin cho biết nước này đang thuê 700 nhân viên hải quan bổ sung và các phương tiện tăng cường kiểm soát biên giới nhằm chuẩn bị cho trường hợp Anh không đạt được th
Pháp tăng kiểm soát biên giới trước kịch bản Anh không đạt Brexit ảnh 1Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Gerald Darmanin cho biết nước này đang thuê 700 nhân viên hải quan bổ sung và các phương tiện tăng cường kiểm soát biên giới nhằm chuẩn bị cho trường hợp Anh không đạt được thỏa thuận nào trong các cuộc đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Bleu Nord ngày 2/10, Bộ trưởng Darmanin nêu rõ một nửa số nhân viên hải quan mới nói trên sẽ được điều động bổ sung vào cuối năm nay, trước thời điểm Anh dự kiến rời "mái nhà chung" EU ngày 29/3/2019.

Ông nhấn mạnh nước Pháp "tuyệt đối phải chuẩn bị sẵn cho trường hợp xấu, đó là vào tháng 3 không có quan hệ pháp lý nào với Anh."

Bộ trưởng Darmanin cho biết hiện cảng Dunkirk ở miền Bắc nước Pháp thường là nơi tiến hành kiểm tra thủ tục hải quan đối với các hàng hóa ngoài EU.

[Brexit: Thủ tướng Anh chuẩn bị đề xuất mới về biên giới Ireland]

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đang xem xét một phương thức kiểm tra hải quan mới tại cảng lân cận Calais chủ yếu xử lý thủ tục nhập hàng từ Anh.

Chính phủ Pháp cũng đang lên kế hoạch lắp đặt máy soi chiếu an ninh mới có thể quét hình ảnh các chuyến tàu chở hàng qua đường Hầm Tunnel nối giữa Anh và Pháp chạy với tốc độ 30km/giờ.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Les Echos, Bộ trưởng Darmanin cho biết hàng hóa có nguồn gốc từ Anh có thể phải đối mặt với 4 thủ tục hải quan riêng rẽ căn cứ theo quy chế hậu Brexit, thay vì chỉ một thủ tục như hiện nay.

Theo đó, mỗi xe tải mất thêm 2 phút để qua được các chốt kiểm soát biên giới, từ đó dẫn tới tình trạng ùn tắc xe tại các cảng.

Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa sẽ đến thời điểm Anh rời EU, song hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào về các điều khoản "ly hôn" cũng như về mối quan hệ thương mại mới hậu Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.