Pháp tìm cách đẩy nhanh việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi điện hạt nhân là trọng tâm trong nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, với các kế hoạch xây dựng ít nhất sáu lò phản ứng mới.
Pháp tìm cách đẩy nhanh việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Bugey ở Saint-Vulbas, miền Đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, Pháp đã soạn thảo dự luật nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính cấp phép xây các nhà máy hạt nhân mới, với mục tiêu tăng gấp đôi số nhà máy năng lượng hạt nhân và tái tạo tại nước này.

Trong nội dung đăng tải trên Twitter trước thềm cuộc họp nội các nhằm thông qua dự luật, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher đánh giá đây là một thách thức lớn và Pháp cần hành động nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng Pannier-Runacher cho biết mục tiêu của dự luật là đẩy nhanh việc cấp phép hành chính để đáp ứng lộ trình xây dựng lò phản ứng điều áp châu Âu (EPR). Dự luật này sẽ giúp giảm bớt thủ tục cấp phép hành chính đối với những lò phản ứng được xây gần các lò hạt nhân cũ.

Tập đoàn năng lượng EDF đang lên kế hoạch xây dựng các lò phản ứng tại ba địa điểm có lò hạt nhân cũ gồm hai lò tại Penly (thuộc khu vực Seine-Maritime), hai lò tại Gravelines (ở miền Bắc nước Pháp), hai lò tại Bugey (ở miền Đông của Pháp) hoặc tại Tricastin (ở miền Nam Pháp).

[Tổng thống Pháp kêu gọi người dân nỗ lực vượt qua khủng hoảng]

Chính phủ Pháp ước tính chi phí xây dựng vào khoảng 51,7 tỷ euro (51,2 tỷ USD).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi điện hạt nhân là trọng tâm trong nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, với các kế hoạch xây dựng ít nhất sáu lò phản ứng mới.

Tháng Chín vừa qua, một quan chức của Bộ Năng lượng Pháp nêu rõ mục tiêu là bắt đầu xây dựng lò phản ứng EPR2 thế hệ mới đầu tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron (tháng 5/2027).

Trước đó, vào tháng 10/2021, ông Macron đã thông báo kế hoạch đầu tư 8 tỷ euro (7,9 tỷ USD) cho quá trình khử carbon và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế thông qua phát triển điện hạt nhân, hydro xanh.

Theo cơ quan năng lượng quốc gia Pháp, nước này có 56 nhà máy điện hạt nhân, cung cấp 70% sản lượng điện toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.