Pháp và Hà Lan hối thúc Anh đẩy nhanh tiến trình đàm phán Brexit

Pháp và Hà Lan đã nêu rõ "mối quan ngại" về tiến độ các cuộc đàm phán, trong khi sự "chia tay" chính thức giữa Anh và EU đã được ấn định vào nửa đêm ngày 29/3/2019.
Pháp và Hà Lan hối thúc Anh đẩy nhanh tiến trình đàm phán Brexit ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc họp báo sau hội đàm. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã hối thúc Anh nhanh chóng đạt được “những tiến bộ” trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khối này, hay còn gọi là Brexit, đặc biệt trong vấn đề hóa đơn yêu cầu Anh bồi thường.

Trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo Pháp và Hà Lan đã nêu rõ "mối quan ngại" về tiến độ các cuộc đàm phán, trong khi sự "chia tay" chính thức giữa Anh và EU đã được ấn định vào nửa đêm ngày 29/3/2019.

Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng các tiến trình tiếp theo về quan hệ giữa EU và Anh chỉ có thể bắt đầu khi Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier tuyên bố các cuộc đàm phán về Brexit đạt được “tiến triển.” Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng không thể đề cập đến tương lai của quan hệ song phương khi hai bên còn chưa đạt được những bước tiến cần thiết.

[Vòng ba đàm phán Brexit chưa đạt tiến bộ mang tính quyết định]

Trước đó cùng ngày, vòng đàm phán thứ 3 về Brexit giữa EU và Anh đã kết thúc sau bốn ngày thảo luận tại Brussels. Ngoài vấn đề "hóa đơn Brexit," hai bên cũng đã không đạt được tiến triển quyết định về một số nội dung chính như quyền công dân và đường biên giới giữa Anh với Ireland.

Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét và đánh giá tiến trình các cuộc đàm phán về Brexit, cũng như các thỏa thuận đã đạt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.