Pháp và Trung Quốc ký các thỏa thuận hợp tác có tổng trị giá 15 tỷ USD

Thỏa thuận hợp tác liên quan đến các lĩnh vực hàng không, năng lượng và nông nghiệp, trong đó có việc phê chuẩn 20 công ty Pháp xuất khẩu thịt lợn, thịt bò và thịt gia cầm sang Trung Quốc.
Pháp và Trung Quốc ký các thỏa thuận hợp tác có tổng trị giá 15 tỷ USD ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp báo chung ở Bắc Kinh ngày 6/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một quan chức trong Chính phủ Trung Quốc ngày 6/11 cho biết, Trung Quốc và Pháp đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác có tổng trị giá 15 tỷ USD, nhân chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Các thỏa thuận trên liên quan đến các lĩnh vực hàng không, năng lượng và nông nghiệp, trong đó có việc phê chuẩn 20 công ty Pháp xuất khẩu thịt lợn, thịt bò và thịt gia cầm sang Trung Quốc.

Các thỏa thuận về năng lượng mà Pháp và Trung Quốc ký kết có Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa hai doanh nghiệp Beijing Gas Group (Trung Quốc) và Engie (Pháp) nhằm hợp tác xây dựng kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc).

Ngoài ra, Total (Pháp) sẽ thiết lập một liên doanh với Shenergy Group (Trung Quốc) để phân phối LNG bằng đường bộ ở châu thổ sông Trường Giang.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược, sau khi Mỹ vừa tuyên bố chính thức rút khỏi văn kiện này.

[Pháp khẳng định Hiệp định Paris là 'không thể đảo ngược']

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Hiệp định Paris, nhấn mạnh đây là tiến trình không thể đảo ngược và là kim chỉ nam để các nước hành động mạnh mẽ trong vấn đề khí hậu.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump trình thư lên Liên hợp quốc thông báo chính thức khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ do các cam kết mà Mỹ đưa ra." Theo đó, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống. Quyết định này khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.

Ngày 4/11, Tổng thống Macron đã tới Bắc Kinh thăm chính thức Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.

Đây là chuyến thăm thứ hai tới Bắc Kinh của ông Macron trên cương vị nhà lãnh đạo Pháp.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trao đổi thương mại giữa Pháp và Trung Quốc đã ở mức 62,9 tỷ USD năm 2018, tăng 15,5% so với năm 2017.

Trong hai tháng đầu năm 2019, thương mại song phương giữa Pháp và Trung Quốc đã đạt 10,6 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Pháp hiện đứng thứ tư trong Liên minh châu Âu (EU) về đầu tư vào Trung Quốc và đứng thứ ba trong khối về thu hút đầu tư từ Trung Quốc.

Tính đến hết tháng 1/2019, tổng đầu tư giữa hai nước đạt hơn 40 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.