Một phương thức hiệu quả trong ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn để bình đẳng giới và bạo lực giới. Vì vậy,Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Đại sứ quán New Zealand đã phát động cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm truyền thông “Song hành vì Bình đẳng giới” vào ngày 7/12 tại trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Cuộc thi khuyến khích các nhà báo, thanh niên và người dân cộng đồng tích cực tham gia viết bài, sản xuất các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam.
Chủ đề cuộc thi là bình đẳng giới trong gia đình và xã hội, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái, thách thức các quan điểm mang tính định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, xã hội và phòng chống các hình thức quấy rối tình dục tại nơi công cộng.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ nay đến hết 31/12/2016.5 giải thưởng dành cho các nhà báo và 4 giải thưởng dành cho thanh niên và cộng đồng có giá trị sẽ được trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất.
Ông Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã khẳng định cuộc thi là cơ hội để trường thể hiện sự cam kết với sự nghiệp bình đẳng giới, và phòng chống bạo lực với phụ nữ.
Phát biểu khai mạc, ông Robbie Taylor, Phó Đại sứ Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội đã đọc bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương và chia sẻ: “Tôi tự hỏi tại sao bài thơ luôn gợi cho tôi suy nghĩ người phụ nữ Việt Nam luôn phải cam chịu, luôn phải hy sinh? Trong khi đó, người phụ nữ xứng đáng được tôn trọng, được yêu thương.”
“Khi tôi xem tivi, tôi vẫn thấy những quảng cáo có việc nấu ăn, dọn dẹp luôn gắn liền với người phụ nữ. Tại sao lại như vậy? Việc nhà là việc chung. Nếu vợ tôi nấu cơm thì tôi nhặt rau. Nếu cô ấy nấu cơm thì tôi dọn nhà. Tôi cũng nhận ra rằng báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ những định kiến về giới. Cùng với nhà báo, những người trẻ tuổi như các bạn sinh viên ngày hôm nay, cũng có thể dùng mạng xã hội, blog để chung tay xóa bỏ những định kiến về giới,” ông Robbie Taylor nói.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA nhấn mạnh: “Chỉ qua một đêm, video về bạo lực tình dục trẻ đã ‘gây bão’ trên mạng xã hội, gây ra sự bất bình căm phẫn trong dư luận. Hiện những kẻ liên quan đến vụ việc đang bị truy tố và thủ phạm chính trong vụ bạo lực tình dục trẻ đang được lực lượng công an ráo riết truy lùng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy sức mạnh lớn của mạng xã hội và truyền thông nói chung trong việc phát giác và tố cáo tội phạm, cũng như lên tiếng bảo vệ người bị bạo lực.”/.