Phụ nữ và trẻ em tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS

Dịch AIDS đang diễn biến nghiêm trọng hơn ở khu vực Đông Âu và Trung Á, là hệ lụy của tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử và hệ thống chính sách pháp luật mang tính trừng phạt.
Phụ nữ và trẻ em tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS ảnh 1Khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ Bảo hiểm y tế tại Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Nhân ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12), Chương trình phối hợp của Liên ​hợp ​quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam đã phát đi thông điệp Tổng Thư Ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về tình hình dịch HIV/AIDS.

Thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ, ngày hôm nay, 35 năm sau khi AIDS xuất hiện, toàn thế giới đã có thể tự hào khi nhìn lại các nỗ lực phòng chống dịch. Nhưng chúng ta cũng phải hướng về phía trước với quyết tâm và cam kết chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Thế giới đã đạt được những bước tiến thực sự to lớn. Số người được điều trị HIV đã tăng cao hơn bao giờ hết. Kể từ năm 2010, số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm một nửa. Cứ mỗi năm số người tử vong do AIDS lại giảm thêm. Và những người nhiễm HIV đang ngày càng có tuổi thọ dài hơn.

Trong vòng 5 năm qua, số người tiếp cận được thuốc kháng HIV để kéo dài cuộc sống đã tăng gấp hai lần, hiện đạt 18 triệu. Nếu được đầu tư thỏa đáng, cả thế giới có thể nhanh chóng mở rộng điều trị và đạt mục tiêu 30 triệu người được điều trị kháng HIV vào năm 2030. Hơn 75% những bà mẹ cần thuốc kháng HIV để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con đã tiếp cận được chương trình điều trị.

Các thành quả đạt được dù to lớn, nhưng vẫn còn mong manh. Phụ nữ trẻ ở những quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao đặc biệt dễ bị tổn thương, nhất là ở vùng sa mạc cận Sahara thuộc châu Phi. Những nhóm người có nguy cơ cao tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV. Số nhiễm HIV mới đang gia tăng trong nhóm người tiêm chích ma túy, đồng tính nam và những người nam quan hệ tình dục đồng giới khác.

Dịch AIDS đang diễn biến nghiêm trọng hơn ở khu vực Đông Âu và Trung Á, là hệ lụy của tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử và hệ thống chính sách pháp luật mang tính trừng phạt.

Trên phạm vi toàn cầu, những người bị thiệt thòi về kinh tế không tiếp cận được đầy đủ đến các dịch vụ phòng, chống HIV. Tình trạng hình sự hóa và phân biệt đối xử đối với các hành vi nguy cơ cao đang tạo điều kiện để các ca nhiễm HIV mới tiếp tục xảy ra mỗi ngày. Phụ nữ và trẻ em vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua với cam kết không bỏ bất kỳ ai rớt lại phía sau và cam kết này không ở đâu quan trọng hơn trong phòng chống AIDS. Hỗ trợ những người trẻ tuổi, những người dễ bị tổn thương và bị lề hóa sẽ giúp khống chế được dịch HIV. 

Khung chiến lược của UNAIDS được xây dựng hài hòa với các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nêu rõ mối liên hệ giữa công tác phòng chống HIV với tiến bộ trên các lĩnh vực giáo dục, xây dựng xã hội, bảo đảm bình đẳng giới và các quyền con người. Liên ​hợp quốc và UNAIDS đã cam kết tìm ra những cách tiếp cận mới nhằm kết thúc được dịch bệnh này.

Trong thập kỷ phòng chống AIDS đầu tiên, những nhóm người bị ảnh hưởng bởi dịch không chấp nhận sự thụ động, tầm thường và yếu mềm trong đáp ứng với AIDS. Sự dũng cảm của họ đã thúc đẩy tiến bộ trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, giảm giá thành các loại thuốc giúp kéo dài cuộc sống và giúp những người yếu thế được lên tiếng. Toàn thế giới cần đoàn kết lại với cùng một tinh thần không khoan nhượng như vậy.

Kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi mạnh mẽ tới tất cả mọi người: Hãy cùng nhau củng cố cam kết để biến tầm nhìn chung của chúng ta về một thế giới không còn AIDS trở thành hiện thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục