Ngày 15/7, tại Pfannerhall Braunsbedra, bang Sachsen Anhalt, Đức, hai nhà khoa học, khảo cổ học là tiến sỹ Dominique Görlitz và tiến sỹ Kai Helge Wirth đã tổ chức buổi họp báo về triển lãm “Đĩa bầu trời” (The World of Sky Discs).
Triển lãm nhằm mang đến cho công chúng thêm nhiều thông tin hữu ích về thiên văn học nói chung và “Đĩa bầu trời” nói riêng, một phát hiện quan trọng, không chỉ đối với ngành khảo cổ học, mà còn đối với thiên văn học và lịch sử của các tôn giáo.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, một trong những điểm nổi bật được công bố tại cuộc họp báo là trống đồng Đông Sơn của Việt Nam, được giới thiệu tại triển lãm “Đĩa bầu trời.”
[Thêm 23 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia]
Biểu tượng thiêng liêng của văn hóa dân tộc Việt Nam, đã được các nhà khảo cổ Đức đánh giá là có lưu trữ những thông tin quan trọng, mang nhiều nét tương đồng với những “Đĩa bầu trời” đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, trong đó có “Đĩa bầu trời Nebra,” là một biểu đồ sao thời tiền sử được tạo ra ở Đức vào khoảng năm 1670 trước Công nguyên. Nó minh họa nhiều khía cạnh quan trọng của bầu trời (Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao).
Cũng trong triển lãm này, lần đầu tiên trên thế giới, một số “Đĩa bầu trời” được kết hợp với nhau trong một góc nhìn tổng thể.
Sự hợp tác nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ của hai nhà khoa học Görlitz và Wirth không chỉ truyền tải thông tin về thiên văn học và thế giới quan từ các kỷ nguyên đã qua, mà còn đưa du khách quay trở lại thời kỳ đồ đồng.
Bằng cách sử dụng các phương pháp phân tích mới, thông qua việc quan sát hình ảnh, các nhà khảo cổ đã mang đến những kiến thức mới mang tính đột phá cũng như những hiểu biết hoàn toàn mới về “Đĩa bầu trời” theo các tiêu chí tri giác-tâm lý.
Mặc dù có những cách giải thích khác nhau, dựa trên những quan điểm khác nhau, song cả hai nhà khảo cổ Görlitz và Wirth đều nhất trí ở một điểm rằng nội dung hình ảnh “Đĩa bầu trời Nebra” ở Đức là duy nhất cho thời kỳ đồ Đồng (Bronze Age) Trung Âu và đây cũng chính là thời kỳ phát triển của Trống đồng Đông Sơn Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam đã tìm thấy khoảng hơn 500 chiếc trống đồng Đông Sơn trên khắp mọi miền đất nước và đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng.
Trống đồng Đông Sơn là một bức tranh lịch sử sống động, cho thấy đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt nông nghiệp và nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của người Việt cổ.
Những họa tiết đặc trưng của trống đồng là Mặt Trời, nhà sàn, chim (phượng hoàng), người nông dân làm ruộng, chăn nuôi gia súc, săn bắn, đánh cá, hát hò, nhảy múa…
Một phát hiện thú vị nữa của các nhà khoa học là trên mặt trống đồng còn thể hiện lịch của người Việt cổ, trong đó điển hình là ngôi sao 12 cánh tương ứng với 12 tháng trong năm.
Trống đồng Đông Sơn cho đến nay vẫn là đề tài hấp dẫn, thu hút sự quan tâm nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, khảo cổ học trong nước và quốc tế./.