Ngày 20/1, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông báo các nhà khoa học đã phát hiện một rạn san hô nguyên sơ khổng lồ và dường như chưa bị tác động của tình trạng biến đổi khí hậu ở ngoài khơi đảo Tahiti, phía Nam Thái Bình Dương.
Theo UNESCO, quần thể san hô có hình dạng bông hồng với chiều dài lên đến 3km và chiều rộng 64m. Đây là một trong những quần thể san hô lớn nhất hiện nay trên thế giới.
Quần thể san hô này được phát hiện ở vùng biển sâu 30-65m và vẫn đang phát triển tốt, cho thấy có thể còn nhiều quần thể san hô khác nằm sâu trong lòng đáy biển và không chịu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến nước biển ấm lên.
Đa số các rạn san hô được biết đến hiện nay nằm ở độ sâu 25m.
[Giới nghiên cứu tìm cách chỉnh sửa gene để cứu các rạn san hô]
Nhà sinh vật biển Laetitia Hedouin tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng các rạn san hô ở các vùng biển sâu hơn có thể được bảo vệ tốt hơn trước tình trạng nóng lên toàn cầu.
Bà nhận định việc khám phá ra rạn san hô nguyên sơ ở Tahiti có thể truyền cảm hứng cho nỗ lực bảo tồn các rạn san hô trong tương lai.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết hiện nay các nhà khoa học mới chỉ lập bản đồ được 20% diện tích dưới đáy biển.
Khám phá đáng chú ý ở Tahiti cho thấy công trình đáng kinh ngạc của các nhà khoa học nhằm cung cấp thêm sự hiểu biết của con người về những gì nằm sâu dưới đáy đại dương.
Đảo Tahiti thuộc Quần đảo Polynesia của Pháp. Năm 2019, các rạn san hô ở quần đảo này bị tẩy trắng đáng kể do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu./.