Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng,” đến nay, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã hoàn thành tổ chức đại hội các tổ chức cơ sở đảng, cơ bản đáp ứng ứng yêu cầu, nội dung và thời gian theo quy định trong Chỉ thị của Bộ Chính trị.
Tính đến cuối tháng 6/2015, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo hoàn thành đại hội ở hơn 56.000 tổ chức cơ sở đảng (chiếm hơn 99% tổng số tổ chức cơ sở đảng), tập trung chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, đồng thời tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp tỉnh.
Nhìn chung, đại hội các tổ chức cơ sở đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đều thực hiện đầy đủ bốn nội dung theo quy định của Điều lệ Đảng và thời gian tiến hành đại hội từ 1-2 ngày.
Những kết quả nổi bật
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và qua theo dõi chung, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội của các tổ chức cơ sở đảng nhiệm kỳ 2015-2020, cho thấy những ưu điểm và kết quả nổi bật.
Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp được ban hành sớm và có nhiều nội dung mới so với nhiệm kỳ đại hội trước; đặc biệt, đây là đại hội đầu tiên thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành với nhiều nội dung mới. Vì vậy, sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quy chế bầu cử trong Đảng và hướng dẫn của các ban đảng Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chủ động xây dựng sớm kế hoạch tiến hành đại hội của đảng bộ; thành lập Ban chỉ đạo đại hội do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư thường trực làm trưởng ban; tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để nghiên cứu, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; triển khai kế hoạch đại hội của đảng bộ cấp mình và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ theo dõi, chỉ đạo đại hội ở các cơ sở làm điểm.
Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cấp ủy cấp trên trực tiếp của cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội các tổ chức cơ sở đảng; lựa chọn và chỉ đạo đại hội trước ở một số tổ chức cơ sở đảng đại diện cho các loại hình cơ sở để rút kinh nghiệm; thành lập các tổ công tác giúp cấp ủy chỉ đạo, theo dõi đại hội ở các điểm; phân công các ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên phụ trách các địa bàn, lĩnh vực công tác, nhất là những cơ sở có nhiều khó khăn.
Nhiều cấp ủy cấp trên đã tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm, bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhân sự đại hội; quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các cơ sở cả trước, trong và sau đại hội. Sau khi chỉ đạo đại hội ở các điểm, nhiều ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy cấp trên trực tiếp của cơ sở đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, có thông báo kết luận bằng văn bản gửi cho các cấp ủy trực thuộc để thực hiện trước khi triển khai đại hội trên diện rộng.
Nhìn chung, công tác chuẩn bị các văn kiện trình đại hội (báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào văn kiện của cấp trên, dự thảo nghị quyết đại hội...) được cấp ủy cấp trên chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Trung ương và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, tập hợp được trí tuệ của cán bộ, đảng viên thông qua việc lấy ý kiến tham gia của các tổ chức đảng trực thuộc, các tổ chức đoàn thể và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, cơ quan, đơn vị đã nghỉ hưu bằng các hình thức thích hợp. Nhiều nơi có bảng phụ lục số liệu để so sánh giữa các năm và so với nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước đề ra. Chương trình đại hội và các nội dung điều hành đại hội được các cấp ủy cơ sở chuẩn bị khá chi tiết, cụ thể và văn bản hóa nên ít xảy ra lúng túng.
Hầu hết đảng viên, đại biểu dự đại hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ và thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của đảng viên trong đại hội. Việc thảo luận ở đại hội nhìn chung được chuẩn bị kỹ, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đoàn kết và trên tinh thần xây dựng, góp phần làm rõ và sâu sắc thêm các nội dung trong các báo cáo của cấp ủy đương nhiệm trình đại hội (bình quân mỗi đại hội có từ 6-9 ý kiến tham luận, nơi nhiều có hơn 20 ý kiến).
Việc chuẩn bị và bầu cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Hầu hết các đại hội chỉ bầu một lần đủ số lượng, cơ bản đúng với phương án nhân sự do cấp ủy đương nhiệm chuẩn bị với tỷ lệ phiếu tập trung cao (có một số nơi chủ động bầu thiếu số lượng cấp ủy do chưa chuẩn bị được nhân sự trẻ đủ tiêu chuẩn, sẽ tiếp tục chuẩn bị và kiện toàn trong nhiệm kỳ). Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, tuổi trẻ cơ bản bảo đảm yêu cầu, nhiều nơi vượt tỷ lệ so với quy định của Trung ương đề ra.
Qua tổng hợp kết quả bầu cử ở hơn 40.800 tổ chức cơ sở đảng (chiếm 72% tổng số tổ chức cơ sở đảng của toàn Đảng) cho thấy tổng số cấp ủy viên mới tham gia lần đầu ở đại hội chiếm gần 30% (tỉnh Kon Tum đạt hơn 42%); cấp ủy viên là nữ chiếm 19,29%, tăng 1,2% so nhiệm kỳ trước (một số nơi như Trà Vinh, Bến Tre, Bình Dương đạt trên 27%); số cấp ủy viên trẻ từ 35 tuổi trở xuống đạt 17,62%, tăng 2,6% so với nhiệm kỳ trước (Quảng Nam đạt 42%, Quảng Ngãi đạt trên 32%, Lai Châu là 31,7%).
Tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số ở những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số đạt khá cao như Bắc Kạn 77%, Lạng Sơn 72,8%, Hà Giang 62,84%. Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị của các cấp ủy viên đều cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước: số có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 96,7%, tăng hơn 40% so với nhiệm kỳ trước; số có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 76,98%, tăng gần 30% so với nhiệm kỳ trước.
Đại hội đảng bộ các cấp lần này là đại hội đầu tiên thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Trung ương mới ban hành. Do Quy chế bầu cử trong Đảng quy định một số nội dung mới rất cụ thể, chặt chẽ trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử, nên nhìn chung việc bầu cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên được tiến hành thuận lợi; kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được tăng cường; ý thức trách nhiệm của cấp ủy và đảng viên trong đại hội được nâng lên và tình trạng bầu thiếu số lượng ít hơn so với các kỳ đại hội trước.
Những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những ưu điểm và kết quả nêu trên, việc chuẩn bị và tổ chức đại hội các tổ chức cơ sở đảng cũng bộc lộ một số hạn chế.
Báo cáo chính trị của một số cấp ủy cơ sở còn dài, nội dung dàn trải, thiếu tính khái quát; báo cáo còn nặng về kể lể thành tích, liệt kê số liệu, chưa thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Nội dung kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng ở nhiều đại hội cơ sở còn sơ sài; chưa làm rõ thực trạng tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở đảng bộ, chi bộ mình; kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 và kết quả việc Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn chung chung, không có địa chỉ cụ thể.
Báo cáo kiểm điểm của một số cấp ủy chưa thẳng thắn kiểm điểm trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và nội dung còn trùng lặp nhiều với báo cáo chính trị; chưa mạnh dạn tự phê bình và phê bình, chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém và trách nhiệm của tập thể, cá nhân các cấp ủy viên; chưa phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm để đề ra biện pháp khắc phục cụ thể trong nhiệm kỳ tới. Dự thảo Nghị quyết của một số đại hội còn dài, gần như báo cáo chính trị rút gọn, chưa đi vào những trọng tâm, trọng điểm nên đại hội khó tham gia ý kiến trước khi biểu quyết thông qua.
Khi triển khai đại hội trên diện rộng, nhiều cấp ủy cơ sở chuẩn bị công tác nhân sự chưa kỹ, thiếu dân chủ, còn biểu hiện nể nang, né tránh, hữu khuynh; một số cấp ủy cấp trên còn quan liêu, không nắm chắc tình hình cơ sở và tư tưởng của cán bộ, đảng viên trước đại hội để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, nên còn đại hội bầu thiếu số lượng cấp ủy và không ít cấp ủy viên được cấp ủy đương nhiệm giới thiệu tiếp tục tái cử nhưng không trúng cử cấp ủy, trong đó có một số là cán bộ chủ chốt ở cơ sở, ảnh hưởng đến kết quả đại hội và nảy sinh tư tưởng không tốt trong cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua tổng hợp, có hơn 2.400 cấp ủy viên được cấp ủy đương nhiệm dự kiến tái cử nhưng không trúng cử, trong đó có hơn 500 bí thư và phó bí thư.
Thời gian đại hội dành cho thảo luận và số lượng ý kiến phát biểu tại đại hội còn ít và nhìn chung chất lượng chưa cao (nhiều nơi chỉ có 2-3 ý kiến và đọc văn bản đã được phân công chuẩn bị trước), chưa tạo được không khí thảo luận, tranh luận ở đại hội. Đa số các đại hội chỉ đọc báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các chi bộ vào dự thảo văn kiện của cấp trên, rất ít ý kiến thảo luận tại đại hội.
Một số cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư còn lúng túng trong điều hành công tác bầu cử, nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chương trình đại hội. Khi bầu cử cấp ủy và ban thường vụ, tỷ lệ số dư trong danh sách bầu cử so với số lượng cần bầu còn ít, phổ biến chỉ có từ 15-20% và phần lớn chỉ bầu theo danh sách đề cử của cấp ủy, rất ít đảng viên ứng cử, đề cử tại đại hội; việc bầu cử bí thư, phó bí thư cơ bản bầu không có số dư.
Những hạn chế, thiếu sót nêu trên là do một số cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quy chế bầu cử trong Đảng và các hướng dẫn của Trung ương cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là những vấn đề mới.
Sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số cấp ủy cấp trên chưa chặt chẽ, cụ thể; công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy cơ sở chưa kỹ, chưa nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên trước đại hội; năng lực và kinh nghiệm thực tiễn của một số thành viên Tổ công tác của cấp ủy cấp trên còn hạn chế.
Một số nội dung trong Quy chế bầu cử trong Đảng và các hướng dẫn của Trung ương chưa thật phù hợp với đại hội đảng bộ cấp cơ sở như trình tự ứng cử, đề cử tại đại hội; tỷ lệ số dư bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ; một số vấn đề mới nảy sinh trong thực tế chưa có trong quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên việc thực hiện còn lúng túng và có sự vận dụng khác nhau.
Một số kinh nghiệm
Từ kết quả đại hội đảng bộ cấp cơ sở, có thể rút ra một số kinh nghiệm để vận dụng, rút kinh nghiệm đối với đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh. Các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ những quan điểm chỉ đạo của Trung ương, nhất là những nội dung mới về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên.
Cấp ủy cấp trên cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc chuẩn bị đại hội của cấp dưới, nhất là đối với những đơn vị có vấn đề phức tạp về nội bộ hoặc có khó khăn về cán bộ; kịp thời xem xét, giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan đến nhân sự cấp ủy trước đại hội.
Các cấp ủy cần chủ động, đề cao trách nhiệm và bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên. Quá trình chuẩn bị văn kiện cũng như nhân sự cần thực sự mở rộng dân chủ, chuẩn bị thật kỹ các nội dung của đại hội (báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy và công tác nhân sự đại hội...).
Báo cáo chính trị cần đánh giá đúng thực trạng tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; coi trọng việc đề ra các giải pháp đồng bộ, có tính đột phá để thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy cần đánh giá sâu về vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết của đại hội cấp mình và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Đặc biệt, cần kiểm điểm, đánh giá cụ thể, sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (đại hội đảng bộ cấp tỉnh cần có báo cáo tổng kết riêng về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4); đề ra kế hoạch, lộ trình và biện pháp cụ thể để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và trong xã hội hiện nay.
Các thành viên đoàn chủ tịch đại hội cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cấp trên và văn bản hóa các nội dung điều hành đại hội; nắm vững trình tự, thủ tục bầu cử theo Quy chế bầu cử trong Đảng; thực sự phát huy dân chủ, bình tĩnh, xử lý linh hoạt những vấn đề phát sinh và dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận tại đại hội. Nắm bắt kịp thời tư tưởng của cán bộ, đảng viên trước, trong và sau đại hội; thực hiện tốt việc ứng cử, đề cử tại đại hội để khắc phục tình trạng bầu cử có số dư quá ít so với số lượng cần bầu.
Cùng với việc chuẩn bị và tổ chức đại hội, các cấp ủy tăng cường lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cả trước, trong và sau đại hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sau đại hội, các cấp ủy cần làm tốt công tác tư tưởng, nhất là đối với những đồng chí cấp ủy viên không đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ tới và khẩn trương phân công công tác cho các cấp ủy viên; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, có tính khả thi để đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống./.