Không chỉ là điểm tựa tinh thần vững chắc, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, phụ nữ Việt Nam luôn có mặt trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước…
Trong thời kỳ đổi mới, phụ nữ ngày càng phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình, làm nên giá trị cuộc sống và những thay đổi tích cực trong cộng đồng xã hội.
Chủ động thay đổi để thích ứng
Thạc sỹ Phạm Quỳnh Anh - giảng viên Khoa Mỹ thuật cơ sở, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội từng là thủ khoa đầu ra của trường. Năm 2017, Quỳnh Anh sáng lập Trung tâm vẽ Vườn nghệ thuật Dâu Tây (Strawberry Art Garden) với khởi đầu tương đối thuận lợi, thu hút được một lượng học viên đáng kể.
Ba năm sau, dịch COVID-19 ập đến, mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Xã hội giãn cách, học sinh không được đi học, trung tâm dạy vẽ phải đóng cửa, nhưng vẫn phải chi các khoản cơ bản khác, Quỳnh Anh buộc phải nghĩ đến sự thay đổi, thích ứng để tồn tại và phát triển.
Trước thực tế đó, Quỳnh Anh đã cùng đội ngũ giáo viên của Trung tâm xây dựng lại hệ thống bài giảng, mã hóa thành bài giảng online. Hàng trăm video bài giảng được xây dựng, mỗi video dài khoảng 35-40 phút với hướng dẫn tỉ mỉ, nội dung súc tích, cô đọng, dễ hiểu.
Đặc biệt, đi kèm với hướng dẫn và giảng dạy là việc thực hành song song, tạo điều kiện cho việc truyền tải thông tin một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất cho các học viên, trong đó có rất nhiều học viên nhỏ tuổi.
Những ngày đầu tiên thực hiện việc thay đổi rất khó khăn do không thạo về công nghệ thông tin, Quỳnh Anh phải tự mày mò lập website rồi quay bài giảng online. Dần dần, mô hình học trực tuyến của Quỳnh Anh được đón nhận với hàng nghìn học viên trên cả nước đăng ký tham gia.
Chia sẻ về thành công, Phạm Quỳnh Anh cho biết đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để có thể đưa hội họa tới một bước phát triển mới hơn, bắt kịp xu hướng của thế giới.
Có thể thấy, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu với các quốc gia, các doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Quỳnh Anh chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ khởi nghiệp đã nhanh chóng tìm cách tiếp cận công nghệ, thích ứng với xu thế chung của toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội thời gian qua.
["Bà trùm xoan" Phú Thọ nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2021]
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) khẳng định phụ nữ đang dần thay đổi cùng với sự tiến bộ trong nhận thức chung của cả xã hội về bình đẳng giới. Việc phát huy khả năng, sức sáng tạo của phụ nữ là hoàn toàn khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là lúc doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cần tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số để nuôi dưỡng và gặt hái các kết quả kinh doanh bền vững, phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
“Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã không ngừng đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tâm thế hành động, đột phá, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động và kịp thời hành động để bứt phá vượt qua đại dịch, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh," bà Elisa Fernandez Saenz khẳng định.
Tạo cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp thành công
Tại Việt Nam, sau 35 năm đổi mới đất nước, vị thế, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của đất nước. Để có được sự thay đổi đó, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp rất quan trọng.
Điều này được thể hiện rõ nét trong thời gian qua, khi cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng các cấp, các ngành, địa phương tham gia phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả.
Những hành động cụ thể, thiết thực như mô hình “đi chợ giúp dân”; “gian hàng không đồng”; “bếp cơm mùa dịch"; “chuyến xe yêu thương vì miền Nam ruột thịt”…
Đặc biệt, chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tiếp sức cho phụ nữ và trẻ em miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cho đến thời điểm này, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã huy động được nguồn lực đạt trên 129 tỷ đồng, tương đương với 430.200 suất quà.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh phần lớn các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang đứng trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra nhưng rất nhiều người vẫn theo đuổi khát vọng khởi nghiệp. Thông qua Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cho thấy khả năng, sức sáng tạo của phụ nữ là rất lớn khi thu hút được đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi tham gia.
Bà Hà Thị Nga cho biết thời gian qua, các cấp Hội đã luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ vươn lên khởi nghiệp để làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước và tạo việc làm ổn định cho người dân. Có tới 13% dự án khởi nghiệp của phụ nữ đến từ vùng dân tộc thiểu số, 10% sản phẩm/dịch vụ của các dự án đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đạt chuẩn từ 3-4 sao. Đây là cơ hội để khơi dậy tiềm năng to lớn, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định khởi nghiệp đã và đang là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, coi trọng, trong đó có Việt Nam. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triểnvà cũng là cơ hội cho phụ nữ nâng cao năng lực… Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp chiến lược để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, nhằm tạo thuận lợi cho môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam…
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với sự phát triển của phụ nữ nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục sáng tạo, mở rộng kết nối, chủ động hợp tác với các bộ, ngành, các doanh nghiệp để triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp," qua đó ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Phó Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đào Mai Hoa cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có những đóng góp không nhỏ của phụ nữ.
Từ những chương trình có tiếng vang như “Shark Tank Việt Nam" đến những buổi tọa đàm của “Quốc gia khởi nghiệp," "Càphê khởi nghiệp," có thể thấy bóng dáng của rất nhiều phụ nữ ở tất cả các vai trò: nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp, nhà sáng lập, khởi nghiệp...
Các cấp bộ Hội đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp qua các hoạt động truyền thông, đào tạo, kết nối, tư vấn, đề xuất chính sách thông qua Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.
Phụ nữ đã và đang tạo ra những tác động ngày càng to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt khi họ kết nối, tạo nên sức mạnh tập thể lớn mạnh. Việc tiếp thêm động lực cho phụ nữ Việt Nam tiếp tục cống hiến, theo đuổi những ước mơ và giá trị cuộc sống sẽ tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng./.