Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của Đội du kích Ba Tơ

Ba Tơ, vùng đất anh hùng - vùng An toàn khu thời chống Pháp, đã và đang phát huy truyền thống hào hùng trong thời đại mới.
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của Đội du kích Ba Tơ ảnh 1Lễ cắt băng khánh thành Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ. (Nguồn: bato.quangngai.gov.vn)

Gần 70 năm trước, ngày 11/3/1945, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, những chiến sỹ cách mạng ở Căng an trí Ba Tơ đã vận động quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ.

Sau khởi nghĩa, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, chọn vùng núi Cao Muôn làm căn cứ, tích cực tập luyện rồi tiến về đồng bằng, trở thành lực lượng nòng cốt khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Quảng Ngãi.

Phát huy truyền thống anh hùng đó, qua nhiều thời kỳ, nhất là trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, Ba Tơ luôn là huyện dẫn đầu của các huyện miền núi ở Quảng Ngãi.

Truyền thống anh hùng

Tháng 12/1944, tại di tích Lò Gạch gần suối Năng, thị trấn Ba Tơ, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập.

Trong đêm 10/3/1945, Tỉnh ủy lâm thời đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà đồng chí Trần Quý Hai và quyết định chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền từng phần trong toàn tỉnh, trước hết là ở Ba Tơ.

Tại chòi canh suối Loa vào trưa 11/3/1945, Tỉnh ủy lâm thời đã quyết định giành chính quyền tại châu lỵ Ba Tơ ngay trong đêm 11/3/1945, thành lập Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ cho các bộ phận tập trung chuẩn bị khởi nghĩa.

Chiều 11/3/1945, đội võ trang khởi nghĩa do các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy và được sự hỗ trợ của đông đảo đồng bào Kinh-Thượng trong huyện đã chiếm Nha Kiểm lý và Đồn Ba Tơ, bắt sống tên Kiểm lý Bùi Danh Ngũ cùng bọn nha lại và 28 lính khố xanh.

Sáng 12/3/1945, một cuộc míttinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt trước đông đảo quần chúng nhân dân.

Bắt đầu từ đây, Ủy ban Nhân dân cách mạng Ba Tơ tuyên bố xóa bỏ bộ máy thống trị của thực dân phong kiến, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng huyện Ba Tơ.

Ra đời còn non trẻ, ngày 14/3/1945, tại bãi Hang Én, đội du kích Ba Tơ đã tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc.” Lời thề đó trở thành động lực chiến đấu và chiến thắng của bao lớp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Ngãi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau đó, Đội du kích Ba Tơ lùi về vùng Cơ Nhất thuộc núi Cao Muôn xây dựng chiến khu. Đội du kích Ba Tơ từ 28 chiến sỹ dưới sự chỉ huy của đội trưởng Phạm Kiệt và chính trị viên Nguyễn Đôn đã chuyển về đồng bằng xây dựng căn cứ tại Vĩnh Sơn và núi Lớn, nhanh chóng phát triển thành hai đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám.

Lực lượng dần lớn mạnh rồi xuất kích đánh Nhật, lập nên các chiến công vang dội như Di Lăng, Xuân Phổ, Mỏ Cày, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền ở Quảng Ngãi - một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Cũng từ đó, cả một vùng núi cao, sông rộng từ xã Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành, Ba Giang, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ trở thành vùng căn cứ cách mạng, vùng An toàn khu qua hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Ngày nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ còn lưu giữ 350 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc Khởi nghĩa. Du khách đến đây là để hiểu rõ hơn về cuộc khởi nghĩa.

Còn với các thế hệ người dân Ba Tơ thì một lần ghé bảo tàng là thêm một lần tự hào về truyền thống và càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ và xây dựng huyện nhà ngày một vững mạnh.

Để bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các thế hệ cha ông vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì sự trường tồn mãi mãi của dân tộc, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đầu tư, nâng cấp xây dựng lại Bia lưu niệm nơi thành lập Đội du kích Ba Tơ, Tiểu đoàn 19 và một số hạng mục hạ tầng cơ sở với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng.

Công trình được khởi công từ tháng 4/2014 và hoàn thành ngày 25/7, gồm các hạng mục phá dỡ bia di tích cũ; cổng, tường rào; nhà đón tiếp; sân đường nội bộ; cấp điện tổng thể; cấp nước tổng thể; thoát nước tổng thể; bia tưởng niệm; trồng cỏ cây xanh.

Công trình đi vào hoạt động đã làm phong phú thêm quần thể di tích Quốc gia về văn hóa, lịch sử cách mạng Ba Tơ anh hùng, là địa chỉ Đỏ để tiếp tục giáo dục cho mỗi cán bộ, đảng viên, quân và dân Khu 5 lòng tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc. Qua đó củng cố quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thực tế, đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ba Tơ là một trong những địa phương được giải phóng khá sớm, vào tháng 10/1974 và được Đảng, Nhà nước tuyên dương "Anh hùng Lực lượng vũ trang."

Trong thời kỳ dựng xây đất nước, Ba Tơ lại vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương "Anh hùng thời kỳ đổi mới." Những thành tích đạt được luôn có dấu ấn của sự phát huy truyền thống anh hùng, bắt đầu từ khởi nghĩa Ba Tơ.

Phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói nghèo

Xã Ba Giang nằm ở sườn tây của núi Cao Muôn - là một trong sáu xã của vùng Ba Tơ. Đây là một trong những xã khó khăn nhất ở Ba Tơ.

Đồng bào dân tộc thiểu số H’rê nơi đây càng tự hào về quá khứ, càng cố gắng dựng xây cuộc sống. Họ nói nhiều về chuyện làm ăn về phát triển kinh tế miền rừng.

Bà Phạm Thị Ký, xã Ba Giang cho biết được sự giúp đỡ của Nhà nước, bà con mình phát triển chăn nuôi, trồng rừng theo phương pháp mới để cuộc sống khá hơn. Giờ thì không lo đói vào những ngày mưa nữa.

Phát huy ưu thế của miền núi, Ba Tơ đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu. Mỗi năm từ những rừng keo bạt ngàn đã đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, Ba Tơ cũng đã trở thành vùng trọng điểm phát triển cây mía của nhà máy đường Phổ Phong (Đức Phổ, Quảng Ngãi) với tổng diện tích gần 1.000ha.

Đi đôi với việc phát triển vùng nguyên liệu, Ba Tơ chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, trong đó đàn trâu bò có trên 30.000 con. Từ sự tập trung phát triển này đã cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân.

Nhờ phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, huyện Ba Tơ đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 46% đầu năm 2012, nay còn 39,8%, đạt mục tiêu giảm từ 5-6% hộ nghèo mỗi năm.

Bên cạnh sự phát triển kinh kế đúng hướng, thông qua các Chương trình 30a, 135 và nhiều công trình đã được đầu tư, tạo điều kiện cho dân đi lại, phát triển sản xuất, làm thay đổi rõ nét diện mạo của vùng nông thôn miền núi.

Anh Phạm Văn Xín, xã Ba Vinh, tâm sự hhồi xưa đi lại khó khăn lắm, dân phải đi theo lối mòn chứ không có đường. Nhưng giờ được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường và người dân cũng biết cách lao động nên cuộc sống được cải thiện hơn trước nhiều.

Việc đầu tư của Nhà nước, sự tập trung lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và nỗ lực của người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo trên địa bàn Ba Tơ.

Ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, cho biết huyện đã và đang tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh giảm nghèo.

Mục tiêu đến năm 2020, vùng Ba Tơ cơ bản trở thành một Khu di tích lịch sử-văn hóa-sinh thái xứng tầm với di tích Quốc gia. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên thành 25-30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3-4%, giải quyết việc làm mới trên 700 người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, 3/5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa...

Ba Tơ, vùng đất anh hùng - vùng An toàn khu thời chống Pháp đã và đang phát huy truyền thống hào hùng trong thời đại mới.

Những kết quả đạt được càng thể hiện rõ tấm lòng son sắt, thủy chung của người dân đối với Đảng với cách mạng trên mảnh đất anh hùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục