Những năm gần đây, văn hóa dân tộc ngày càng trở nên gần gũi, thậm chí trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc hiện đại. Có thể kể đến các ca khúc “Chiếc khăn piêu,” “Để Mị nói cho mà nghe”… đều gợi lên nét văn hóa dân tộc độc đáo và được đông đảo khán giả yêu thích.
Trong bối cảnh Chính phủ đang phát triển nền công nghiệp văn hóa thì văn hóa dân tộc tại các cộng đồng địa phương được xem là nguồn tài nguyên quý giá, là chất liệu để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đa dạng mà thống nhất.
Văn hóa dân tộc là nền tảng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định Việt Nam có 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa riêng nhưng có nhiều giá trị thống nhất, tương đồng trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước. Mặt khác, mỗi dân tộc lại có những nét đáo riêng có, tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Do đó, việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là việc làm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục qua từng thế hệ con người Việt Nam.
Ngày 18/4, diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” đã diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Diễn đàn là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn cũng như những bài học sinh động từ thực tiễn ở địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở...
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh rằng môi trường văn hóa gia đình và cộng đồng dân cư sẽ tạo nên nền tảng đạo đức xã hội; môi trường văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo nên nền tảng kinh tế; môi trường văn hóa công sở, cơ quan, đơn vị... sẽ góp phần tạo nên nền tảng chính trị. Sự kết hợp cả ba môi trường văn hóa đó sẽ tạo thành cốt cách con người Việt Nam, thành nền tảng tinh thần xã hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng phải coi môi trường văn hóa dân tộc là một nền tảng trong xây dựng môi trường văn hóa hiện nay ở nước ta, đặc biệt cần hết sức quan tâm đến môi trường văn hóa tộc người (thực hành văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa nghệ thuật, văn hóa tri thức...), bởi đó là môi trường mà cộng đồng được nuôi dưỡng, lớn lên, hình thành nhân cách, phẩm chất.
"Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tạo nên những con người có văn hóa của dân tộc ấy. Bởi vậy, môi trường này cần được bảo vệ, củng cố và phát huy nhằm xây dựng nên những con người văn hóa…," ông Lê Hồng Lý nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch khẳng định rằng xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương, chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp.
“Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và càng khó khăn hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đòi hỏi những giải pháp có tính cấp bách cũng như lâu dài,” Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nói.
Quản lý văn hóa thời đại mới
Tại diễn đàn, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn đã nêu một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc hiện nay như đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa…
Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa. Đây cũng là yếu tố cần lưu tâm trong thời đại ngày nay bởi trong thực tế, khoảng từ năm 2010 đến nay, mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Theo thống kê, năm 2020, người Mông đã có 20 trang mạng xã hội lớn, mang tính chất quốc tế; người Dao có 27 trang mạng, trong đó có nhóm Cộng đồng dân tộc Dao mới xuất hiện từ ngày 8/8/2018 nhưng có số người tham gia rất đông, khoảng 149.500 thành viên; nhóm Bản sắc dân tộc Dao Áo dài xuất hiện khá sớm (ngày 26/10/2014), với tổng số thành viên là 21.000 người; người Thái cũng có khoảng hơn 30 nhóm; trong đó lớn nhất là nhóm Facebook người Thái với 720.000 thành viên.
“Mạng xã hội phát triển, biến đổi không ngừng, do vậy cần nghiên cứu mạng xã hội, biến nó trở thành một thiết chế văn hóa trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước. Theo đó, ngành văn hóa-thông tin cần phải có giải pháp quản lý mạng xã hội, vừa phải có giải pháp phát huy tính tích cực của mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa,” ông nói.
Đề cập đến giải pháp phát huy văn hóa dân tộc trong thời đại mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội lưu tâm đến vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức sự kiện.
[Hình ảnh độc đáo về chợ phiên vùng cao Xá Nhè ở tỉnh Điện Biên]
Ông cho rằng các sự kiện mang tính bản sắc phải do chủ thể văn hóa tổ chức và tham gia.
“Lễ hội cổ truyền chỉ thành công khi người dân tham gia vào việc tổ chức sự kiện cho chính mình, vì chính mình và bởi chính mình. Khi họ tham gia sự kiện, họ sẽ tạo ra những dấu ấn tính mộc mạc, chân thành, chân thực của riêng họ, mà không một đoàn văn công, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay nhà hát nào có thể làm được. Điều này chắc chắn được đánh giá cao bởi du khách, khán giả - những người đóng vai trò quyết định đến việc đánh giá một thành công của sự kiện, chứ không phải văn bản báo cáo của một cơ quan nhà nước,” ông cho hay.
Những người dân cũng phải được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của sự kiện và quan trọng hơn là phải được lợi từ sự kiện, không chỉ là lợi ích tài chính mà còn phải được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau như phát huy hình ảnh địa phương, lan tỏa niềm tự hào của người dân hay những lợi ích gián tiếp, lâu dài khác.
Dẫn chứng việc tái hiện các nghi lễ tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng Làng cần tạo ra những bối cảnh phù hợp cho người dân có thể phát huy hết sức sáng tạo của mình như những gì họ thể hiện ở địa phương mình và tôn trọng sự sáng tạo của họ. Ngoài ra, Làng cần chú ý đến những nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng. Đây chính là những nhân vật quan trọng thể hiện tri thức, sự đoàn kết của cộng đồng đối với một sự kiện. Huy động được sự tham gia của họ sẽ tạo ra tính tự nhiên, sự bảo đảm cho thành công của việc tổ chức sự kiện.
“Tuy nhiên, việc huy động này phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, nghệ nhân văn hóa dân tộc sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho cộng đồng,” ông khuyến cáo./.