Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949-30/10/2019), ngày 23/10, tại Hà Nội, báo Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng) phối hợp với Hội Truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tổ chức tọa đàm với chủ đề “70 năm nghĩa tình son sắt."
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Lào Trần Văn Túy; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cùng các tướng lĩnh quân đội, cựu chiến binh.
Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân đồng, chủ trì tọa đàm.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cho biết tọa đàm nhằm khẳng định tính tất yếu, sự cần thiết của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung, Việt Nam-Lào nói riêng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung; đồng thời là tình cảm, mong muốn chung của nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương. Hoạt động còn là cơ hội điểm lại những thành tích, chiến công, đóng góp to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đối với sự nghiệp cách mạng của hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Nhân dịp này, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gửi thư tới Ban tổ chức và các đại biểu dự tọa đàm. Trong thư, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định, những năm gần đây quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường; là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi nước.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mong muốn các thế hệ cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của mình, của Bộ đội Cụ Hồ, góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, thủy chung son sắt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước.
[Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào phát triển ngày càng sâu rộng]
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí khẳng định trong các giai đoạn cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh - “Giúp nhân dân bạn tức là mình tự giúp mình,” luôn định hướng cho tư duy khoa học quân sự và phương pháp cách mạng của quân tình nguyện và chuyên gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Nghiệp, chuyên viên cao cấp từng giúp nước bạn Lào, cho rằng thực hiện lời căn dặn đó, trên tinh thần tự nguyện, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Lào, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ năm 1986 đến nay, cả Lào và Việt Nam đều tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt chú trọng củng cố, phát triển quan hệ đặc biệt với Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào. Mối quan hệ đó được thử thách qua lịch sử càng phát triển bền vững.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nhấn mạnh hiện nay Việt Nam và Lào cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, thịnh vượng theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì hạnh phúc của nhân dân.
Hai nước hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh để bảo vệ thành quả cách mạng và độc lập, chủ quyền của mỗi nước; phối hợp, ủng hộ nhau trong chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, phát triển tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, Nhà nước, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Quan hệ Lào-Việt Nam không chỉ đặc biệt mà còn là kiểu mẫu của ứng xử quốc tế trong thời đại mới./.