Sáng 25/12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội năm 2017; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội năm 2017; thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác dân vận.
Năm 2017, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều nội dung, phương thức đa dạng, phong phú, sát với thực tiễn, đối tượng. Công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được triển khai đồng bộ, định hướng dư luận kịp thời, phản ánh thông tin đa chiều đến các tầng lớp nhân dân.
Một số chương trình giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú trọng thực hiện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội.
Ghi nhận những kết quả Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã đạt được trong năm 2017, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, năm 2018 Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng; nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, người lao động.
Nhằm giải quyết thách thức, tận dụng cơ hội trong thời đại phát triển của mạng xã hội và nền công nghệ số 4.0, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức cần đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức, chất lượng hoạt động, nghiên cứu để phong trào đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; quan tâm tới các đối tượng hội viên, đoàn viên đang học tập, lao động ở nước ngoài, đa dạng hóa các hình thức tập hợp để tăng cường sức mạnh quần chúng, kiện toàn tổ chức bộ máy; phát huy vai trò, xứng đáng là những đại diện đi đầu chăm lo cho quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, đoàn viên, hội viên.
Về phương thức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 trong thời gian tới, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cần tiếp tục cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, dùng đổi mới, sáng tạo làm động lực; lấy tích cực, chủ động làm phương châm công tác; lấy hiệu quả làm thước đo để chuyển đổi tư duy; định hướng vai trò, tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phù hợp với thực tiễn hoạt động.
Các phong trào, chương trình... triển khai theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường bền vững, tích cực hội nhập sâu rộng với quốc tế; chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đoàn viên, thanh niên; xác định những phong trào trọng tâm để góp phần giải quyết nút thắt, khó khăn của đất nước.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường chuyển đổi đối tượng trọng tâm của công đoàn từ khối công chức, viên chức sang khối công nhân viên, người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cần sát sao với cơ sở; xây dựng cơ chế tổ chức, hoạt động trên nền tảng đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu song song với việc đẩy mạnh việc kiểm soát, giám sát quyền lực, phân cấp quản lý; góp phần tạo cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị thích ứng với điều kiện tình hình mới./.