Phát huy vai trò tích cực, năng động của Việt Nam trong ASEM

Ngày 30/11, tại thành phố Đà Nẵng đã khai mạc Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37, với sự tham gia của các thống đốc đến từ 53 thành viên Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).
Lễ khai mạc Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 30/11, tại thành phố Đà Nẵng đã khai mạc Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37, với sự tham gia của các thống đốc đến từ 53 thành viên Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á-Âu, trước đó là cuộc họp bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tổ chức vào năm 2004, tại Hà Nội.

Diễn ra từ ngày 28/11-2/12, Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) lần thứ 37 có nhiều hoạt động quan trọng.

Bên lề cuộc họp, Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Quỹ ASEF tổ chức tọa đàm về “Xây dựng tầm nhìn quan hệ Á-Âu toàn diện trong thế kỷ 21” tập trung trao đổi 3 nội dung chính: Các xu thế lớn trong cục diện quốc tế và khu vực; Hợp tác ASEM: Cơ hội và thách thức nổi lên; Hợp tác ASEM trong thập niên thứ 3 và giai đoạn tiếp theo: Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á-Âu toàn diện.”

Việc Việt Nam đăng cai cuộc họp có ý nghĩa tiếp tục truyền đi thông điệp về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương; tiếp tục đề cao đóng góp của Việt Nam cho ASEM, tham gia kỷ niệm 20 năm thành lập ASEF và đề ra phương hướng hoạt động của Quỹ trong thời gian tới; tranh thủ ASEF, ủng hộ triển khai các dự án hợp tác tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam tham gia vào các hoạt động của ASEF; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập trong Năm APEC 2017.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Việt Nam tại Quỹ Á-Âu nhấn mạnh dự kiện này là cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò, vị thế và góp phần thúc đẩy quan tâm chung của các thành viên Diễn đàn hợp tác Á-Âu.

Việc Việt Nam đăng cai Tọa đàm chính sách bên lề cuộc họp nhằm thể hiện dấu ấn chủ nhà Việt Nam trong nỗ lực triển khai quyết định của các nhà lãnh đạo ASEM về nâng tầm hợp tác ASEM, ASEF trong thập niên tới.

Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng hưởng ứng năm đầu tiên hợp tác Á-Âu bước vào thập niên thứ 3, qua đó góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM, ASEF đến với người dân Đà Nẵng và Quảng Nam.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khẳng định đối với Việt Nam, Quỹ Á-Âu có vai trò quan trọng trong triển khai chính sách coi trọng và tăng cường đóng góp cho ASEM - một trong số ít các diễn đàn Việt Nam tham gia với tư cách thành viên sáng lập.

Qua 20 năm, Việt Nam đã tranh thủ hiệu quả các dự án của ASEF trong một số lĩnh vực ưu tiên như phát triển bền vững, giáo dục - đào tạo, việc làm cho thanh niên…

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nêu rõ: Trước chuyển biến nhanh chóng của cục diện với nhiều thách thức đang nổi lên đối với các khu vực và hợp tác đa phương, ASEM đang đứng trước thời khắc chuyển đổi và ASEF càng có vai trò quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và hình ảnh của ASEM.

Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng ASEM và ủng hộ vai trò quan trọng của ASEF trong nỗ lực tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai châu lục, thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu.

Quỹ Á-Âu được thành lập năm 1997 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ nhất, có trụ sở tại Singapore. ASEF là cơ chế duy nhất của ASEM, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục giữa hai châu lục.

ASEF hoạt động theo chỉ đạo của Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng, tuy nhiên có vị thế tương đối độc lập. Do hiện nay ASEM là diễn đàn đối thoại và phối hợp chính sách duy nhất giữa hai châu lục Á-Âu và chưa có bộ máy thường trực, vai trò ASEF ngày càng tăng.

Quỹ Á-Âu có 4 chức năng chính là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác và đối thoại Á-Âu; thúc đẩy quan hệ giữa tổ chức xã hội Á-Âu và giữa tổ chức xã hội và tiến trình ASEM; phối hợp với các thể chế tại các thành viên ASEM tổ chức các dự án gắn với các hoạt động của ASEM, theo chỉ đạo của Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng ASEM và được Hội đồng Thống đốc thông qua; tăng cường nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về quan hệ Á-Âu nói chung và tiến trình ASEM nói riêng.

Quỹ cũng ưu tiên các lĩnh vực​ thúc đẩy vai trò, tăng cường kết nối ASEF với tiến trình ASEM; kiện toàn hoạt động ASEF theo hướng phù hợp với các ưu tiên của ASEM nhằm nâng cao hiệu quả các dự án và công việc; xây dựng chiến lược truyền thông tốt hơn, rộng hơn và bảo đảm khả năng tài chính bền vững của Quỹ.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Quỹ Á-Âu đã triển khai 12 hoạt động trong 6 lĩnh vực ưu tiên gồm: Văn hóa, giáo dục, quản trị, phát triển bền vững, y tế và kinh tế.

Năm 2017, Quỹ Á-Âu kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ (1997-2007) và đề ra định hướng hợp tác; tăng cường giao lưu nhân dân, kết nối và phát triển bền vững; tăng cường quảng bá, nâng cao hình ảnh ASEM, ASEF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục