Việt Nam chủ động, tích cực và có đóng góp đáng kể cho ASEM

Trong 20 năm qua, Việt Nam luôn chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và được các thành viên ghi nhận.
Việt Nam chủ động, tích cực và có đóng góp đáng kể cho ASEM ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: asef.org)

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm ra đời và phát triển của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), tổ chức hội tụ các quốc gia đến từ cả hai lục địa, châu Âu và châu Á, diễn ra tại Ulan Bator, Mông Cổ từ ngày 15-16/7, là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cả khu vực và thế giới đang có nhiều biến đổi sâu sắc, cùng những thách thức ngày càng đang dạng và phức tạp.

20 năm qua chứng kiến sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của ASEM với tư cách là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa châu Á và châu Âu, vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn và tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục, đồng thời thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng.

Từ 26 thành viên khi thành lập năm 1996, qua 5 lần mở rộng, ASEM đến nay đã tăng gấp đôi về số lượng (lên 53 thành viên), trong đó có 4 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), và đại diện cho khoảng 62% dân số thế giới.

Không chỉ là một diễn đàn đối thoại chính trị, trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa nền kinh tế thế giới hiện nay, ASEM còn là diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục, vốn chiếm 57% GDP và khoảng 68% thương mại toàn cầu.

Có thể nói, chặng đường hai thập kỷ phát triển vừa qua của ASEM đã khẳng định những thành tựu đáng kể trong thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, thông qua các cơ chế đối thoại và hợp tác thường xuyên ở mọi cấp trên tinh thần đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp các hội nghị cấp cao cũng làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa các thành viên, đặc biệt là quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU). ASEM đang từng bước hòa hợp châu Á và châu Âu thành khu vực hòa bình và phát triển, một môi trường cùng tồn tại thịnh vượng trong thế kỷ XXI.

Là một trong những nước thành viên sáng lập ASEM, trong 20 năm qua, Việt Nam luôn chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh của Diễn đàn và được các thành viên ghi nhận.

Việt Nam đã đề xuất 21 sáng kiến và đồng bảo trợ 24 sáng kiến, đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với nhiều sáng kiến thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân, như các sáng kiến về an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, biến đổi khí hậu...

Trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục chủ động đóng góp vào các vấn đề quan tâm chung, tham gia đề xuất định hướng hợp tác ASEM để góp phần nâng cao vị thế trong ASEM, trong đó, chú trọng triển khai 3 sáng kiến: “Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức đói nghèo” (Hà Nội, 31/3 đến 7/4); “Diễn đàn ASEM về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững” (Hà Nội, 10/2016); và “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Sáng tạo và công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường (tháng 9/2016)...

Mặt khác, đối với Việt Nam, hợp tác trong ASEM luôn có ý nghĩa quan trọng. ASEM quy tụ 19 trong số 26 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, đem lại 70% đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 14 trong 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác ASEM, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 60 đối tác, trong đó có 47 thành viên ASEM.

Trong bối cảnh hiện nay, ASEM đang đứng trước thời kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong một thế giới biến động không ngừng. Hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song hòa bình, ổn định ở nhiều khu vực vẫn đang bị đe dọa. Bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, chủ nghĩa cực đoan, tranh chấp lãnh thổ tiếp tục diễn biến phức tạp, quy mô lan rộng, trong khi kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm và thiếu bền vững.

Đặc biệt, những diễn biến mới trên Biển Đông cũng đang tác động đến môi trường an ninh tại cả châu Á lẫn châu Âu. Bên cạnh đó là những thách thức nghiêm trọng và cấp bách về môi trường do biến đổi khí hậu, như sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng; tình trạng đói nghèo, khoảng cách phát triển gia tăng, già hóa dân số, đô thị hóa, an ninh nước-lương thực-năng lượng...

Vấn đề mấu chốt là ASEM cần phải chứng tỏ vai trò là cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng để giải quyết thách thức khu vực và thế giới, vì tương lai bền vững và an toàn. Đó cũng là nhu cầu nội tại của một ASEM ngày càng mở rộng với các quan tâm và lợi ích đa dạng hơn.

Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, chắc chắn sẽ vẫn là “vườn ươm ý tưởng” và triển khai các sáng kiến hợp tác của diễn đàn quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, đồng thời là cơ sở để hai châu lục tiếp tục tăng cường kết nối sức mạnh, góp phần giải quyết những vấn đề chung của thế giới.

Bước vào thập niên thứ 3, ASEM đang đứng trước kỷ nguyên phát triển mới nhằm đưa hợp tác Á-Âu đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của Diễn đàn trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục