Phát triển đất nước là mục tiêu xuyên suốt mọi hoạt động đối ngoại. Cùng với tư duy tiên phong, tư duy phát triển là điểm mới trong tư duy đối ngoại của Đảng tại Đại hội XIII.
Theo đặc phái viên TTXVN, với những kết quả, sự thành công rất tốt đẹp, có thể khẳng định chuyến thăm chính thức hai đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam tại châu Á là Hàn Quốc và Ấn Độ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam từ ngày 12-19/12 vừa qua đã góp phần thiết thực trong việc triển khai hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Vai trò của cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương
Kết quả các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo đồng cấp tại Hàn Quốc và Ấn Độ đều thống nhất cao, nêu bật tầm quan trọng của việc cần tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao đổi, thống nhất với lãnh đạo Nghị viện Hàn Quốc và Nghị viện Ấn Độ về những nội dung hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thành những chính sách rất cụ thể, góp phần tích cực, tạo sự thông thoáng hơn nữa trong hợp tác quốc tế, trong đầu tư, thương mại cũng như các lĩnh vực khác.
Ông Bùi Văn Cường nhận định: "Thông qua những hoạt động như vậy chúng ta tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hợp tác quốc tế trong những năm tiếp theo.”
Tại Hàn Quốc và Ấn Độ, khi tham dự các Diễn đàn doanh nghiệp hay tiếp các lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của hai nước, Chủ tịch Quốc hội đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam trong phát triển đất nước hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh lợi thế của Việt Nam khi có thị trường rất rộng lớn, dân số khoảng 100 triệu người, đang trong thời kỳ dân số vàng…, với hệ thống pháp luật khá đồng bộ, hệ thống chính sách về ưu đãi đầu tư và bảo hộ đầu tư theo những tiêu chuẩn cao, không chỉ đối với khu vực mà còn đối với quốc tế.
Quốc hội tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật nhằm tiếp tục tạo động lực mới cho phát triển. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam luôn cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp các nước đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Ngoài các thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp hai nước trị giá hàng tỷ USD, điều quan trọng nhất đó chính là sự tin cậy, khẳng định niềm tin lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Ấn Độ đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đã được thực tế chứng minh và sự khẳng định của lãnh đạo cao nhất của Quốc hội Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức hai quốc gia này.
Ngoại giao Nghị viện góp phần phục vụ phát triển đất nước
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, Thượng nghị sỹ, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ Suresh Prabhu đã nhắc lại thắng lợi của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế hiện nay.
Thượng nghị sỹ Suresh Prabhu cho rằng Việt Nam là hình mẫu trên thế giới, sự thành công thể hiện rõ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Việt Nam luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi mục tiêu, định hướng phát triển.
Chia sẻ về kết quả chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: “Qua các buổi tiếp xúc song phương và tham dự diễn đàn, các nhà đầu tư của Ấn Độ và Hàn Quốc đều bày tỏ sự tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, tin tưởng vào các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các chính sách của Việt Nam đang triển khai để vượt qua đại dịch COVID-19, ổn định kinh tế vĩ mô. Tại các diễn đàn song phương, các nhà đầu tư của Ấn Độ và Hàn Quốc đều bày tỏ mong muốn và cam kết của mình để tiếp tục mở rộng đầu tư và đầu tư mới tại Việt Nam.”
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự kỳ vọng sau chuyến thăm chính thức này có một làn sóng đầu tư mới của Ấn Độ vào Việt Nam.
Tham gia đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội có đại diện lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã ký kết những văn bản, thỏa thuận hợp tác với hai nước bạn.
Nổi bật đó là việc ký kết Hiệp định song phương Việt Nam-Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội. Đây là cơ sở đảm bảo quyền lợi của người lao động hai nước khi làm việc tại nước sở tại, tránh đóng bảo hiểm 2 lần. Đây là hiệp định đầu tiên của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực này.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hiệp định này đã được hai nước đàm phán trong vòng 7 năm qua. Mục tiêu lớn nhất chính là đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại.
Trên cơ sở Hiệp định này, Việt Nam tiếp tục làm căn cứ để đàm phán với các quốc gia khác, trong đó tập trung vào 8 quốc gia mà có đông người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là khu vực như: Nhật Bản, Đức và một số quốc gia lân cận.
Đồng thời Việt Nam cũng phải chú trọng để sửa đổi pháp luật để tương thích với luật và điều ước quốc tế, tương thích với pháp luật Việt Nam hiện hành, đảm bảo được định hướng trong việc cải cách chính sách bảo hiểm, xây dựng hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập.
Với các địa phương, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã có những chia sẻ, ngoài việc tham gia một số hoạt động chính thức của Đoàn, tại Hàn Quốc, tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, trao giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ohsung Display.
Ông bày tỏ tin tưởng qua hội nghị xúc tiến đầu tư, cùng với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Thái Bình, sẽ có thêm các nhà đầu tư Hàn Quốc tới đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang cho rằng: "Thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội đưa ra được phía bạn rất hưởng ứng và đánh giá rất cao, đặc biệt là bạn trông chờ vào việc ta chuẩn bị nối lại các đường bay quốc tế để những thỏa thuận đã ký sẽ được triển khai sớm. Khi gặp các nhà đầu tư nước ngoài chúng tôi đã bàn thảo kế hoạch triển khai, phấn đấu để trong năm 2022, những thỏa thuận đã ký, giấy chứng nhận đầu tư đã trao đều được triển khai một cách thuận lợi.”
Một số ngành kinh tế tri thức, như công nghệ thông tin, Internet, thương mại điện tử, công nghệ phần mềm… , cũng đã được các doanh nghiệp hai bên quan tâm, chia sẻ, kết nối hợp tác nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Có thể kể tới việc Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn Tech Mahindra Limited (Ấn Độ) đã ký thoả thuận nhằm chia sẻ và phát triển cơ hội kinh doanh với trọng tâm về công nghệ thông tin trên các lĩnh vực hàng không, ngân hàng và bảo hiểm, bán lẻ và các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm khác như các giải pháp quản lý nguồn lực và tài sản, IoT, học máy, blockchain, dữ liệu…
Ông Phạm Khắc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn SOVICO cho biết: “Với sự hợp tác giữa hai bên, chúng tôi hy vọng mang tới những bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để phục vụ cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, hội nhập quốc tế. Chương trình này sẽ sớm giúp SOVICO tối ưu hoá các trải nghiệm của khách hàng dựa trên dải dịch vụ, sản phẩm đa dạng và chất lượng tốt nhất.”
Còn ông Anuj Bhalla, Chủ tịch APJI SBU - Enterprise, Tech Mahindra (Ấn Độ) nhận định: “Sự hợp tác này nhằm mục đích nâng cao đáng kể lộ trình công nghệ thông tin và khả năng sẵn sàng kỹ thuật số của Tập đoàn SOVICO bằng cách hiện đại hóa và tự động hóa các hoạt động cốt lõi và các giải pháp cơ sở hạ tầng của họ, từ đó tạo điều kiện cho các cơ hội kinh doanh nâng cao.”
[Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội: Tạo thế và lực mới để phát triển]
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trao Thỏa thuận phát triển dự án giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Amkor Technology, INC về việc xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn với tổng vốn đăng ký đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho giai đoạn 1, với số vốn đăng ký 520 triệu USD.
Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 23ha tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C. Trong đó, giai đoạn đầu có vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án dự kiến khởi công trong quý 1/2022.
Ông Vương Quốc Tuấn cho biết đây là bước đột phá tạo động lực phát triển, đặc biệt không chỉ đối với tỉnh Bắc Ninh nói riêng, mà còn đối với Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Giữa hai nước, đã có 9 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam ký kết với các bộ, ngành, cơ quan của Hàn Quốc và Ấn Độ; 39 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận hợp tác được trao trong chuyến công tác, có giá trị 15 tỷ USD trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay.
Đây là minh chứng khẳng định quyết tâm cũng như uy tín của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và cao hơn cả là niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Các thỏa thuận hợp tác, dự án khi đi vào triển khai, hoạt động sẽ góp phần tạo tiền đề, động lực mới trong phát triển những ngành kinh tế dựa trên công nghệ cao đối với các địa phương cũng như các doanh nghiệp trong nước những năm tới.
Góp phần ứng phó với đại dịch COVID-19
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội đã tiếp tục phát huy thế mạnh của ngoại giao Nghị viện trong quan hệ song phương với hai đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam ở khu vực châu Á, củng cố quan hệ chính trị tin cậy với lãnh đạo cấp cao Quốc hội Hàn Quốc và Ấn Độ.
Các nhà lãnh đạo đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của nghị viện cũng như các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Một trong những điểm nhấn của chuyến công tác là những kết quả cụ thể của công tác “ngoại giao vaccine” và hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Ngay khi chuyên cơ đáp xuống Sân bay Nội Bài đêm 19/12 đã diễn ra lễ bàn giao vaccine, vật tư, nguyên liệu điều chế thuốc và kinh phí cho các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam.
Đó là việc trao 200.000 liều vaccine Covaxin cho trẻ dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ; chuyển giao 1 tấn nguyên liệu điều chế 4.750.000 viên thuốc Movinavir 200mg điều trị COVID-19; bàn giao 2 tỷ won (khoảng 40 tỷ đồng) do Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc) ủng hộ cùng với BIDV để triển khai các hoạt động an sinh xã hội, bao gồm chương trình tặng 65 xe cứu thương và xây nhà văn hóa, nhà tránh lũ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: “Bạn tặng 200.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là việc làm rất có ý nghĩa trong thời điểm chúng ta đang đẩy mạnh việc tiêm phòng cho trẻ để góp phần giúp các em đến trường học một cách bình thường. Nguyên liệu để điều chế hơn 4 triệu viên thuốc điều trị COVID-19 có ý nghĩa rất thiết thực trong phòng, chống dịch, nhất là khi COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Thông qua những hoạt động này, nhất là việc ký kết trong sản xuất thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam sẽ góp phần tích cực vào việc kiềm chế và và đẩy lùi đại dịch tại Việt Nam.”
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 đề ra định hướng "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm."
Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có lịch trình ngoại giao dày đặc với gần 70 sự kiện liên tục.
Chuyến thăm đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đó là sự đồng hành, phục vụ lợi ích của người dân, địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế; khẳng định sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các quan hệ hợp tác song phương./.