Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới và yêu cầu khắc phục những khó khăn, hạn chế của các tổ chức tín dụng trong giai đoạn trước, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được thời gian vừa qua, nhằm xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, nhiều điểm trong Luật các tổ chức tín dụng đã không còn phù hợp với kinh tế thị trường, tập quán quốc tế, nên việc sửa đổi luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc sửa chữa cần thận trọng, không thể vội vã, đảm bảo quyền lợi của cả người đi vay và người cho vay.
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cũng cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng đã thi hành được 7 năm trong khi nền kinh tế luôn biến động, thay đổi. Bên cạnh đó, các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu giá… đã được sửa, vì thế nếu không sửa Luật này sẽ bị “vênh.”
[Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã xử lý được hơn 611.000 tỷ đồng nợ xấu]
Vì còn có nhiều ý kiến khác nhau nên đại biểu Tùng đề nghị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nên được xem xét thông qua tại 2 kỳ họp.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến đồng tình với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, từ đó có các phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phù hợp với thực trạng hoạt động của tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần giải quyết.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật và cho rằng cần xem xét, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng luật thời gian qua, từ việc thành lập, cấp giấy phép hoạt động, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, vai trò của Chính phủ, các bộ, đặc biệt là của Ngân hàng Nhà nước.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cần sửa đổi tại Luật Các tổ chức tín dụng, để thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, kiềm chế phát sinh thêm nợ xấu, kiểm soát đầu tư chéo, sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế./.