Phát triển cụm cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải lên tầm quốc tế

Là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ, nhưng cụm cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do các hạn chế về tư duy đầu tư.
Phát triển cụm cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải lên tầm quốc tế ảnh 1Cảng quốc tế Cái Mép đón siêu tàu container. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cùng Đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã đồng ý với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải thay đổi tư duy trong đầu tư, khai thác cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, đánh giá cụm cảng này ở góc độ lợi ích quốc gia chứ không phải lợi ích của địa phương có cảng.

Tầm vóc của cụm cảng này phải là cạnh tranh quốc gia mà cụ thể là với cảng quốc tế của Singapore chứ không phải cạnh tranh với các cảng trong nước.

Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, cần có sự đồng thuận từ Trung ương nên Bộ trưởng Nghĩa đã đề nghị cùng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng chương trình riêng với sự vào cuộc của Trung ương để phát huy hiệu quả cụm cảng này.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nằm trong nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) được quy hoạch, xây dựng là cụm cảng quốc gia, phục vụ cho cả khu vực các tỉnh, thành phía Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng cạnh tranh giữa các cảng trong nước ở khu vực đã kìm hãm lẫn nhau, gây lãng phí nguồn lực, tiềm năng quốc gia rất lớn và khiến cụm cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải không phát huy hết hiệu quả. Chính vì vậy, vai trò “nhạc trưởng” cho cụm cảng rất quan trọng để liên kết cả khu vực chứ từng tỉnh, bộ ngành không thể làm được

Hiện, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới cập cảng (tàu kích cỡ trên 160.000 DWT) và là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam đang có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3.

Cụm cảng này có 35 dự án cảng, trong đó, có 17 cảng đã đưa vào khai thác với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tổng công suất 93 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối chưa hoàn chỉnh, các trung tâm logistics hầu như chưa có, thiếu cảng cạn…nên có rất ít tàu đến với cụm cảng này. Trong khi đó, hàng hóa trong nước vẫn phải trung chuyển qua các cảng của Singapore để đi các nước trên thế giới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng đã thống nhất với một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh và giao cho các đơn vị chuyên môn của Bộ phối hợp với tỉnh để thực hiện như: nghiên cứu nâng cấp sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo) để đáp ứng đi lại của người dân, du khách, phát triển kinh tế huyện đảo; điều chỉnh quy hoạch cảng cạn trong đó bổ sung các vị trí cảng cạn tại Bà Rịa-Vũng Tàu; thành lập trung tâm Logistics; ủng hộ làm đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (đoạn Biên Hòa-Cái Mép) kết nối với hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải; sửa chữa, duy tu một số tuyến đường…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.