Phát triển dịch vụ logistics để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa

Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ logistics nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực vốn yếu.
Phát triển dịch vụ logistics để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên nhanh chóng, song theo nhiều chuyên gia, những bất cập của hoạt động logistics ở Việt Nam đã tác động không nhỏ đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

[Thủ tướng: Chi phí logistics cao có nhấn chìm con tàu kinh doanh]

Chi phí vận tải chiếm gần 60% chi phí logistics

Dẫn chứng về những khó khăn trong hoạt động logistics tại Việt Nam thời gian qua, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chỉ riêng chi phí vận tải đã chiếm tới gần 60% chi phí logistic, trong đó, vận tải đường bộ là phương thức vận tải đắt đỏ nhất, đó là chưa kể các khoản chi phí không chính thức khác.

Cùng với đó, bà Thảo cũng chỉ ra các hạn chế về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành đang làm tốn kém thời gian của doanh nghiệp, đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics thời gian qua.

Đơn cử như quản lý chuyên ngành đối với lĩnh vực kiểm dịch, bà Thảo cho rằng, hiện nay nhiều nước đã áp dụng kiểm tra xác xuất hoặc áp dụng quản lý rủi ro nhưng ở Việt Nam thì mới chỉ có một vài lĩnh vực như an toàn thực phẩm chẳng hạn.. còn hầu hết vẫn chưa áp dụng.

“Với 100% lô hàng mà cứ phải thực hiện như vậy thì rõ ràng kéo dài thời gian của các doanh nghiệp rất lớn,” Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói.

Với vị trí là trung tâm của khu vực ASEAN, độ mở của nền kinh tế cao, xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, đến nay, ngành nghề này vẫn chưa phát triển mạnh như kỳ vọng. Chi phí cao, doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được từng khâu thay vì toàn bộ dịch vụ logistics chính là yếu tố khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam còn kém so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ logistics nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực vốn yếu nên khó có thể đầu tư theo quy mô lớn.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, theo tính toán của Hiệp hội thì chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 16,8-17% GDP cao hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan khoảng 14% hay như Malaysia khoảng 14-15%...

“Dịch vụ logistics ngày càng tham gia sâu rộng vào đời sống kinh tế, xã hội vào mọi mặt của quá trình sản xuất kinh doanh và trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu... chính vì vậy nó càng trở nên quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp,” ông Hiệp nói.

Tăng cường chất lượng để tạo lợi thế cạnh tranh

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) về chỉ số năng lực logistic của Việt Nam đã tăng từ hạng 64/160 nước lên thứ hạng 39 trong năm qua, song, theo các chuyên gia, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách phát luật logistics, phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong kết cấu hạ tầng logistics, tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh góp phần đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh nhìn nhận, các doanh nghiệp logictics có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam chỉ có 3% nhưng họ đã chiếm tới 80% dịch vụ logictics, do vậy, nếu chúng ta không áp dụng công nghệ sẽ khó hòa nhập được với thế giới

“Để không bị tụt hậu lại đằng sau đòi hỏi chúng ta phải nâng cao công nghệ bởi nếu không đầu tư công nghệ, không đi nhanh hơn thì chúng ta sẽ tụt lại đằng sau,” bà Thảo nói thêm.

Tại Hội nghị toàn quốc về logistics mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nêu rõ, việc tăng trưởng thương mại quốc tế và nội địa trong những năm gần đây tăng trưởng ổn định ở mức cao, cho thấy nước ta có điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành nghề này.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, phải tính đến quy mô xuất nhập khẩu ở mức trên 500 tỷ USD để thấy “miếng bánh” của ta về logistics là lớn. Do đó, việc phát triển ngành dịch vụ logistics hiện nay phải hướng tới mục tiêu kép là bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế cho phát triển và khẩn trương cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh bởi logistics chính là ngành có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay.

Đề xuất ý kiến nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Bộ ngành, địa phương cần triển khai mạnh hơn Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý khi triển khi Luật Quy hoạch phải chú ý sự kết nối hạ tầng giao thông với các trung tâm logistics để có quy hoạch toàn diện trong phát triển lĩnh vực này./.

Bất cập chung trong quy hoạch cảng biển. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.