Phát triển du lịch bền vững từ kết nối nghệ thuật với công nghệ số

Du khách chăm chú lắng nghe các câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh sơn mài bằng ứng dụng số... Đây chỉ là một ví dụ cho thấy công nghệ đã mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho khách khi đến với VN.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tham gia Trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam bằng ứng dụng số. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tham gia Trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam bằng ứng dụng số. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Du lịch di sản là ngành đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam, một quốc gia có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm và sở hữu tới 8 di sản văn hóa thiên nhiên cùng 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Chính vì thế, việc tổ chức sự kiện kết nối giữa nghệ thuật và du lịch bền vững được áp dụng công nghệ số, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá như vậy tại chương trình Trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam và Giao lưu kết nối của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao vừa diễn ra cuối tuần qua.

Du lịch bền vững song hành di sản văn hóa Việt

Theo ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cách đây 56 năm, bảo tàng đã chính thức mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng quốc gia có vị trí quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

[Du lịch bền vững: Từ những hành động nhỏ để tạo ra khác biệt lớn]

Tòa nhà bảo tàng là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nơi dành cho con gái các quan chức Pháp toàn Đông Dương về học tại Hà Nội. Tòa nhà đã được cải tạo thành một kiến trúc ấn tượng, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp cổ và kiến trúc dân gian Việt Nam.

Phát triển du lịch bền vững từ kết nối nghệ thuật với công nghệ số ảnh 1Khách Việt Nam và quốc tế tham gia chương trình trải nghiệm đặc biệt của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Đặc biệt, việc lưu giữ hơn 20.000 hiện vật là minh chứng sinh động cho dòng chảy phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền-sơ sử đến nay, trong đó có 9 bảo vật quốc gia và các sưu tập nghệ thuật đặc sắc như sưu tập tranh sơn mài, tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh giấy, tranh dân gian, gốm…” ông Minh cho hay.

Về sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật của Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết bảo tàng đã không ngừng triển khai các hoạt động đa dạng như: Đổi mới trưng bày, tổ chức các hoạt động giáo dục, chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý hiện vật, xây dựng thư viện điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện phục vụ khách tham quan, thúc đẩy truyền thông, xúc tiến du lịch, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

“Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vinh dự được nhiều đại sứ quán và tổ chức văn hóa quốc tế lựa chọn để giới thiệu nền văn hóa của quốc gia mình với công chúng Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự đồng hành của các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, UNESCO, Bộ Ngoại giao, đại diện các cơ quan văn hóa, du lịch Việt Nam, những giá trị, vẻ đẹp di sản văn hóa, đặc biệt là mỹ thuật của Việt Nam sẽ được quảng bá rộng rãi tới công chúng quốc tế…,” ông Minh bày tỏ.

Phát triển du lịch bền vững từ kết nối nghệ thuật với công nghệ số ảnh 2Khi công nghệ số tham gia vào quá trình trải nghiệm nghệ thuật cùng du khách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước việc lưu giữ được những bảo vật quốc gia quý hiếm hay những bộ sưu tập nghệ thuật giá trị tại bảo tàng cùng nguồn tài nguyên di sản phong phú hiện nay của nước nhà, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, di sản văn hóa thiên nhiên không chỉ là nguồn lực quan trọng làm đa dạng nền văn hóa, gắn kết xã hội mà còn là động lực thúc đẩy phát triển bền vững.

“Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực để vừa thúc đẩy hoạt động du lịch văn hóa bền vững, đảm bảo sự cân bằng giữa việc phát triển và bảo tồn di sản văn hóa,” bà Hằng khẳng định.

Thêm trải nghiệm mới trong lĩnh vực bảo tàng

Có thể nói, nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam là nền mỹ thuật đầu tiên ở châu Á có sự giao lưu với hội họa phương Tây từ rất sớm, ngay từ đầu thế kỷ XX, thông qua trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1925). Từ “chiếc nôi” này, các thế hệ họa sỹ, nghệ nhân đầu tiên không chỉ được tiếp xúc với những chất liệu ngoại nhập như sơn dầu, mà còn nghiên cứu, thử nghiệm chất liệu sơn ta truyền thống để biến nó trở thành chất liệu sơn mài cho hội họa.

Tranh sơn mài chính là một đặc trưng của nền mỹ thuật Việt Nam. Cũng trong chương trình giao lưu kết nối này, những ẩn số của sơn mài Việt đã được các vị khách đặc biệt đến từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khám phá.

Họ theo chân hướng dẫn viên tìm hiểu về các công đoạn của nghệ thuật sơn mài và lắng nghe các câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh sơn mài Việt Nam bằng Ứng dụng iMuseum VFA nhằm hướng tới hoạt động du lịch bền vững, mang tới nhiều hơn trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Phát triển du lịch bền vững từ kết nối nghệ thuật với công nghệ số ảnh 3Ứng dụng công nghệ số vào du lịch đã bắt đầu trở nên quen thuộc với du khách. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với ứng dụng iMuseum VFA tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hy vọng sẽ mang đến những trải nghiệm hoạt động tham quan bảo tàng tốt nhất cho du khách.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết UNESCO Việt Nam đã cùng làm việc với các chuyên gia trong các lĩnh vực bảo tàng, công nghệ số và đã nhận được sự cam kết mạnh mẽ từ các đơn vị cấp tỉnh và trung ương cùng 8 khu di sản thế giới để cùng áp dụng ứng dụng trải nghiệm số trong hoạt động tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Minh cho rằng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào hoạt động tham quan của bảo tàng sẽ góp phần thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục