Phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực ở huyện đảo Kiên Hải

So với nhiều địa phương khác trong khu vực miền Tây Nam Bộ, thiên nhiên ưu đãi cho huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang nhiều cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái biển đảo.
Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình ở Bãi Bàng, Khu du lịch đảo Lại Sơn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Vẻ đẹp hoang sơ, yên bình ở Bãi Bàng, Khu du lịch đảo Lại Sơn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang, nằm trên vùng biển Tây Nam đất nước, với 23 đảo nổi lớn nhỏ, trong đó 11 đảo có dân sinh sống, gồm 4 xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 2.460ha, dân số khoảng 20.750 người. Kinh tế của huyện chủ yếu là khai thác đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản và du lịch.

So với nhiều địa phương khác trong khu vực miền Tây Nam Bộ, thiên nhiên ưu đãi cho Kiên Hải nhiều cảnh quan đẹp để phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Nhiều hòn đảo, bãi biển đẹp, nổi tiếng được khách du lịch biết đến như Bãi Chén (Hòn Tre), Bãi Bàng (Lại Sơn), Bãi Cây Mến (An Sơn), Hòn Mấu (Nam Du)…; những đỉnh núi như Đỉnh Đá Đài (Hòn Tre), đỉnh Ma Thiên Lãnh (Lại Sơn), đỉnh Rađa (An Sơn)... gây ấn tượng với du khách thập phương.

Kiên Hải có nhiều đình, miếu, dinh, lăng… gắn với lễ hội dân gian tạo nét đẹp đặc trưng, độc đáo của văn hóa miền biển như: Lăng Ông Nam Hải (Hòn Mấu-Nam Du); Miếu bà Chúa Xứ, Dinh thờ cá ông (Hòn Tre); đình Nguyễn Trung Trực, đình thần Nam Hải (Lại Sơn)...

Cùng với đó, huyện đảo Kiên Hải có nhiều loại đặc sản biển như cua, ghẹ, nhum, hàu, ốc, mực, tôm, cá...; làng nghề sản xuất nước mắm Hòn Sơn, nuôi cá lồng bè trên biển… cũng "níu chân" du khách khi đến đây.

Từ những tiềm năng, lợi thế đó, huyện đảo Kiên Hải hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nội lực thúc đẩy nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác cùng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Huỳnh Hoàng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kiên Hải nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế và những yếu tố thuận lợi khác cho phép Kiên Hải phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù về du lịch khám phá, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái, vườn đồi, leo núi, cắm trại, chèo thuyền, câu cá, thể thao dưới nước, lặn ngắm san hô...

Huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên phát triển du lịch.

Huyện mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm kết hợp khuyến khích hộ dân tham gia đầu tư phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện đảo, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

[Du lịch biển đảo: Chuyển hóa tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế]

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cảnh quan núi, rừng, biển cả... phục vụ du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn cảnh quan môi trường sinh thái đẹp, không khí trong lành; mở rộng liên kết vùng, hình thành các tour, tuyến du lịch quan trọng với những điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn của cả nước, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối với các doanh nghiệp vận tải tăng cường đầu tư phương tiện hiện đại tuyến biển Rạch Giá-Hòn Tre-Lại Sơn-An Sơn đưa du khách về với huyện đảo Kiên Hải nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.

Diện mạo huyện đảo Kiên Hải đang ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Các xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn có hệ thống đường quanh đảo, ngang đảo và bến cập tàu; 2 xã Hòn Tre, Lại Sơn có điện lưới quốc gia.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực ở huyện đảo Kiên Hải ảnh 1Du khách tắm biển, vui chơi tại Bãi Bàng, thuộc Khu du lịch đảo Lại Sơn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Các doanh nghiệp vận tải đã tăng cường đầu tư đưa vào hoạt động các phương tiện vận chuyển phục vụ tuyến biển Rạch Giá-Hòn Tre-Lại Sơn-An Sơn…. Việc vệ sinh môi trường, đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt... đã góp phần tích cực phát triển du lịch huyện đảo Kiên Hải.

Cùng với đó, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển du lịch mang lại kết quả khả quan, số lượng cơ sở dịch vụ du lịch không ngừng tăng.

Đến nay, toàn huyện có hơn 135 cơ sở lưu trú với gần 1.150 phòng, 40 phương tiện thủy chở khách tham quan du lịch biển đảo và hàng chục cơ sở dịch vụ... đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch đến Kiên Hải.

Năm 2018, quần đảo Nam Du và xã Lại Sơn được công nhận là Khu du lịch địa phương. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi, thu hút du khách quốc tế, để ngành "công nghiệp không khói" Kiên Hải ngày càng phát triển mạnh.

Từ năm 2015 đến quý 1/2019, huyện đảo Kiên Hải thu hút gần 680.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch; tổng doanh thu trên 800 tỷ đồng; trong đó, năm 2018 đón gần 271.450 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay, vượt 8,5% kế hoạch, tăng gần 40% so với năm 2017.

Lượng du khách được dự kiến năm 2019 tiếp tục tăng 40% trở lên so với năm 2018. Điều này cho thấy du lịch Kiên Hải đang trên đà phát triển tích cực, hướng du lịch thành ngành kinh tế chủ lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục