Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp

Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa...
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ảnh 1Mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 25/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với chủ đề “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt."

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, góp phần quan trọng tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu lại ngành. Thời gian qua, những kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật đã đi sâu vào sản xuất, điển hình như nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi.

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới.

Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng cho rằng các hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp thiết thực vào thành công của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chuỗi giá trị chủ lực quốc gia.

Khoa học công nghệ đã góp phần cải tạo cơ cấu giống, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa nông nghiệp, cải thiện năng suất lao động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số… góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành.

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Làm sao đưa công nghệ sinh học trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật trong tương lai, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.

Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng Bộ cần xác định rõ những trọng tâm trong nghiên cứu để có kế hoạch, đáp ứng sát các nghiệm vụ thực hiện Chiến lược ngành.

Kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ phải bám sát các định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như chiến lược ngành.

[Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu quý 2 đạt 14 tỷ USD]

Ông Cao Đức Phát cũng cho rằng điểm đáng lưu ý là khác với nhiều ngành khác, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp không thể nhập khẩu như giống cây trồng, kỹ thuật canh tác gắn với điều kiện cụ thể từng vùng của nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, phát huy tốt hơn nguồn lực hiện có; sửa đổi cơ chế, chính sách để doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ.

Để “khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt,” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới tư duy để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.

Ngành sẽ tập trung nâng cao tính tự chủ, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm toàn diện của người đứng đầu tổ chức khoa học, công nghệ trong việc hoạch định chiến lược, định hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, ngành đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ảnh 2Mô hình trồng cà chua công nghệ cao. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Bộ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 37 giáo sư; 1.690 phó giáo sư, tiến sỹ và 4.539 thạc sỹ; trên 14.000 người tham gia làm nghiên cứu khoa học với 14.700ha đất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng nếu tháo gỡ, “cởi trói” được vướng mắc về chính sách tăng cường hợp tác công tư, gắn khoa học công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp và việc phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích đất đai… thì đó sẽ là động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.