Phát triển kinh tế TP.HCM: Tìm nguồn lực cho hạ tầng giao thông

Dự kiến trong 5 năm, Thành phố Hồ Chí Minh ước tính thu khoảng hơn 14.000 tỷ đồng, đây là nguồn lực quan trọng đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển.
Phát triển kinh tế TP.HCM: Tìm nguồn lực cho hạ tầng giao thông ảnh 1Công trường thi công Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn), một trong những tuyến đường quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng cho phát triển các công trình giao thông giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng hàng năm hạn chế, đặc biệt do tác động của dịch COVID-19, thành phố đang nỗ lực tìm kiếm, bố trí các nguồn vốn phục vụ mục tiêu phát triển các công trình giao thông.

Khai thác nguồn lực

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã chủ động xây dựng và ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025 nhằm đưa ra những giải pháp cấp bách và trọng tâm để khôi phục những đứt gãy, vực dậy nền kinh tế thành phố, khôi phục những hoạt động văn hóa-xã hội.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã được Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 21%, là nguồn vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn tới.

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ kiên trì kiến nghị Trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng; đề xuất Trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của thành phố tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Thành phố.

Về đất đai gắn với các dự án xây dựng, thành phố dự kiến sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất trên địa bàn, phù hợp với các quy định được phê duyệt và theo quy định của pháp luật, nhất là các khu đất dọc các tuyến quốc lộ, vành đai và tuyến metro.

Trường hợp thành phố cần bổ sung nguồn lực đầu tư cho các dự án quan trọng, thành phố sẽ đề xuất Trung ương cho phép nới trần dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục và sẵn sàng triển khai dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đặt trong bối cảnh “cấp thiết” để tạo sức bật trong mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương tại dự án này, các địa phương đã thể hiện cam kết bố trí đủ vốn để triển khai dự án theo tiến độ; trong đó, có nguồn vốn dự kiến huy động từ phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố. Đó là các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện dự án.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả rà soát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận dọc tuyến Vành đai 3 trên địa bàn có khoảng 2.413ha; trong đó khoảng 514ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến, riêng với phạm vi đất nông nghiệp, có thể khai thác bán đấu giá thu hồi khoảng 26.985 tỷ đồng.

Theo Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch (Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), quỹ đất này rất quan trọng, nếu khai thác được thì chi phí thực hiện Vành đai 3, kể cả Vành đai 4 cũng không gặp vấn đề gì.

Bên cạnh đó, khi triển khai thì yếu tố thời gian là quyết định, phải thực hiện nhanh hơn nữa, bởi chậm một ngày là thiệt hại rất lớn. Nếu có cơ chế huy động vốn tốt thì đến năm 2030 có thể hoàn thiện giao thông cho vùng và khi đó các địa phương sẽ có đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.

Cùng với các dự án khác, hiện thành phố đang tập trung hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sớm nhất, khai thác hiệu quả hạ tầng không gian ngầm để phát triển các dịch vụ về du lịch tham quan, vui chơi, giải trí. Đồng thời, thành phố có phương án tính toán điều chỉnh quy hoạch cục bộ và khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả các khu đất dọc tuyến metro…

Đa dạng thu hút nguồn lực

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong 8 nhiệm vụ phát triển thành phố là “Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó tập trung xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai.”

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết hệ thống hạ tầng giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025.

[Mở đường phát triển kinh tế TP.HCM: Tăng tốc các dự án trọng điểm]

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nguồn thu dự kiến của ngân sách thành phố.

Giai đoạn hiện nay, thành phố đã và đang ưu tiên nguồn vốn ngân sách thành phố để đảm bảo kinh phí cho phòng, chống dịch COVID-19 nên nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông rất khó khăn.

Phát triển kinh tế TP.HCM: Tìm nguồn lực cho hạ tầng giao thông ảnh 2Cầu chính dự án cầu Thủ Thiêm 2 hợp long đúng dịp Quốc khánh 2/9/2021. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)

Ông Trần Quang Lâm cho rằng, việc xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Sở Giao thông Vận tải cũng đã rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách giai đoạn 2021-2030.

Thành phố cũng sẽ khai thác nguồn thu từ cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội và các quy định mới cho Thành phố Hồ Chí Minh như thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng; cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; nguồn thu từ sử dụng đất; bán tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Thành phố; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa...

Thành phố cũng nghiên cứu ban hành bổ sung một số loại phí, lệ phí nằm ngoài danh mục phí, lệ phí được quy định trong Luật.

Từ đầu tháng 4/2022, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn.

Dự kiến trong 5 năm, thành phố ước tính thu khoảng hơn 14.000 tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển.

Tại lễ khánh thành cầu Thủ Thiêm 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành có liên quan nghiên cứu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh về nguồn vốn, cơ chế, chính sách đầu tư; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và báo cáo cấp có thẩm quyền, phương án xử lý, tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn lực phát triển xứng tầm với kỳ vọng và mong đợi.

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư cho giao thông, tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển.

Với quyết tâm của các địa phương lân cận trong đầu tư các dự án giao thông kết nối cũng như chủ trương ưu tiên đầu tư của Trung ương, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chờ đợi “cú hích” từ các dự án giao thông nhằm “mở đường” cho Vùng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với đầu tàu là Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.