Phát triển kinh tế từ 'nâu' sang 'xanh lam' tại Nam Trung Bộ

Để phát triển bền vững kinh tế biển của khu vực Nam Trung Bộ, các bộ, ngành phải thay đổi tầm nhìn, phát triển kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh lam," tức là từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ.
Phát triển kinh tế từ 'nâu' sang 'xanh lam' tại Nam Trung Bộ ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Phát triển khoa học-công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là khâu đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ. Điều này phải bắt đầu từ việc thay đổi tầm nhìn chiến lược theo hướng từng bước xây dựng một "nền kinh tế xanh lam," sau đó lựa chọn các nhiệm vụ, giải pháp khoa học-công nghệ thích hợp.

Đó là nội dung chính của Hội nghị khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ được tổ chức ngày 20/6, tại thành phố Đà Nẵng.

Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh cần thiết phải đầu tư nhiều hơn cho khoa học-công nghệ, thu hút đầu tư từ các nguồn lực trong nước và quốc tế, sử dụng các kết quả cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Đặc biệt, các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong kinh tế biển khu vực Nam Trung Bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế-xã hội. Nhiều công trình đã tập trung nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, lĩnh vực khoa học-công nghệ phải thực sự là khâu đột phá để thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ở vùng Nam Trung Bộ.

Nghiên cứu về thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế biển ứng dụng khoa học-công nghệ của khu vực này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng vùng biển Nam Trung Bộ có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ thông thương ra biển và hỗ trợ hội nhập kinh tế nội khối ASEAN thông qua hành lang kinh tế Đông-Tây.

Duyên hải Nam Trung Bộ cũng là nơi có triển vọng phát triển du lịch rất lớn, tập trung vào du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, nhiều tiềm năng đang chờ được đánh thức.

[Chiến lược biển Việt Nam: Bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn hải sản]

Để phát triển bền vững kinh tế biển của khu vực, đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải thay đổi tầm nhìn, phát triển kinh tế theo hướng từ "nâu" sang "xanh lam," tức là từ nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, thương mại.

Tại hội nghị, các nhà khoa học cũng trình bày nhiều nghiên cứu, tham luận đáng chú ý như: "Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc giám sát chất lượng nước ven bờ phục vụ kinh tế biển," "Phát triển du lịch biển dựa trên giá trị dịch vụ hệ sinh thái và những tác động đối với rạn san hô ở Việt Nam," "Ứng dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo để xây dựng và phát triển hệ thống du lịch thông minh vùng duyên hải Nam Trung Bộ," "Một số công nghệ chế biến phế liệu thủy sản tạo sản phẩm giá trị gia tăng"...

Phát triển kinh tế từ 'nâu' sang 'xanh lam' tại Nam Trung Bộ ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh phát triển kinh tế biển luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổng kết và ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung) được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Ông Nguyễn Hồng Sơn hy vọng qua hội nghị này, các ý kiến, tham luận, nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được các địa phương áp dụng thực tiễn và đạt được nhiều thành công trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.