Phát triển logistics kết nối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp, làm trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phát triển logistics kết nối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ảnh 1Khu cảng biển Liên Chiểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng Kinh tế Trọng điểm Miền Trung và Hành lang Kinh tế Đông-Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp, làm trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đến năm 2050 Đà Nẵng trở thành cửa ngõ chính ra biển của Hành lang Kinh tế Đông-Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á-Thái Bình Dương.

Đề án cũng đặt mục tiêu là đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP thành phố Đà Nẵng đạt 11% đến 12%, đến năm 2050 tỷ trọng đóng góp đạt 15% đến 15,5%; trong đó cảng biển Đà Nẵng và Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Nhận định về tiềm năng phát triển logistics của Đà Nẵng, ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Đà Nẵng cho rằng: thành phố Đà Nẵng có cảng container quốc tế và sân bay quốc tế, lại nằm ở điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây.

[Việt Nam được kỳ vọng trở thành ngôi sao logistics của châu Á]

Vì vậy, Đà Nẵng có nhiều cơ hội để thu hút lượng hàng qua hành lang kinh tế này. Đặc biệt, khi hạ tầng logistics đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp (bao gồm hệ thống đường bộ, các trung tâm logistics, dự án cảng Liên Chiểu...).

Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, Đà Nẵng cần có thêm các chính sách cụ thể để tăng lượng hàng lưu thông như chính sách thu hút các nhà đầu tư sản xuất xuất khẩu, chính sách thu hút các công ty, tập đoàn lớn lập trung tâm logistics để phân phối hàng hóa trên tuyến này.

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho biết từ nay đến năm 2030, thành phố Đà Nẵng đã đề ra giải pháp nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách mới như hỗ trợ hoạt động vận tải hàng container qua cảng biển Đà Nẵng.

Phát triển logistics kết nối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ảnh 2Chuyến bay thẳng đầu tiên từ New Delhi (Ấn Độ) hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng sáng 19/10. (Ảnh: TTXVN phát)

Đồng thời, hỗ trợ tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư trung tâm logistics nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng; thành lập Ban chỉ đạo phát triển logistics thành phố và tham mưu, đề xuất Chính phủ chủ trì thành lập Ban chỉ đạo cấp vùng, cấp quốc gia với sự tham gia của các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông-Tây để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics…

Về giải pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics, thành phố Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, đề xuất hình thành Khu vực thương mại tự do (FTZ) với trung tâm là khu vực bến Cảng biển Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao…

Khu vực FTZ sẽ cung cấp các ưu đãi hấp dẫn với nhà đầu tư như miễn/giảm các loại thuế phí; đơn giản hóa thủ tục xin cấp và gia hạn thời gian cho thị thực lao động và giấy phép lao động, từ đó tăng cường và đa dạng hóa nhu cầu dịch vụ logistics.

Cùng đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại tại các tỉnh Nam Trung Lào; tăng cường liên kết với các hiệp hội và doanh nghiệp logistics các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới; thu hút các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu trong lĩnh vực vận tải biển, logistics…

Bên cạnh triển khai đề án, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cũng cho biết thành phố đang tập trung kêu gọi đầu tư, phát triển 10 dự án trung tâm logistics trên địa bàn; trong đó, lớn nhất là trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu được quy hoạch là trung tâm logistics cấp vùng, hạng I, có quy mô 30-35ha vào năm 2030 và đến năm 2050 nâng lên thành 65-70 ha, với các dịch vụ cảng biển, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS…

Đồng thời, trung tâm logistics cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không với quy mô đến năm 2030 là 4-5ha, mở rộng nâng cấp lên 8-10ha đến năm 2050.

Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư 8 dự án trung tâm logistics cấp tỉnh.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 1.056 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics; trong đó doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ chiếm chủ yếu, khoảng 681 doanh nghiệp; 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến vận tải đường biển; 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý, giao nhận vận chuyển; 14 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi; 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bốc xếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.