Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande sẽ thăm Cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-7/9/2016.
Chung tay vun đắp quan hệ hợp tác lâu dài
Ngày 12/4/1973, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Sự kiện này mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng cùng nhau vượt qua những thăng trầm của lịch sử để chung tay vun đắp một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, lâu dài giữa hai dân tộc.
Nhờ nỗ lực, quyết tâm của hai nước, Việt Nam và Pháp trở thành những đối tác đặc biệt, giữa một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Âu và một quốc gia châu Á đang phát triển năng động và tích cực hội nhập quốc tế. Pháp tích cực ủng hộ Việt Nam hội nhập quốc tế, ủng hộ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam.
Từ năm 1993, với chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Francois Mitterrand, mối quan hệ đặc biệt đó đã chuyển sang một giai đoạn mới và được củng cố qua những chuyến thăm tiếp theo của lãnh đạo cấp cao hai nước như: Tổng thống Jacques Chirac thăm Việt Nam năm 1997 và năm 2004; Thủ tướng Francois Fillon thăm Việt Nam năm 2009) và các chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (năm 2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 2002), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (năm 2005)...
Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Thời gian qua, Việt Nam và Pháp đã triển khai hiệu quả nhiều cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng, Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp.
Nhiều triển vọng
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều triển vọng. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan, Italy). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2015 đạt 4,2 tỷ USD (tăng 19% so với năm 2014), trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 2,9 tỷ USD (tăng 23% so với năm 2014), chủ yếu là những mặt hàng giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,3 tỷ USD (tăng 10% so với năm 2014), chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn. Trong quý Một, tổng kim ngạch thương mại Việt-Pháp đạt 919 triệu USD (giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước).
Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ ba tại Việt Nam (sau Hà Lan, Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam ,với 461 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,4 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến-chế tạo... Các dự án đầu tư tập trung ở một số địa phương như: Bà Rịa-Vũng Tàu với 7 dự án trị giá hơn 1 tỷ USD, Thành phố Hồ Chí Minh với 188 dự án trị giá 994,6 triệu USD, Hà Nội với 96 dự án trị giá 450,1 triệu USD. Hiện có 6 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp với tổng số vốn đạt 2,48 triệu USD. Thông qua các hoạt động đầu tư tích cực này, nhiều công nghệ kỹ thuật mới của châu Âu giúp nâng cao kỹ năng quản lý và phương thức kinh doanh hiện đại đã được đưa vào Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu cho Việt Nam, là một trong ít nước được nhận cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan phát triển Pháp và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên.
Những ưu tiên hợp tác
Hợp tác giáo dục-đào tạo giữa Việt Nam và Pháp được hình thành, phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập. Hiện có hơn 7.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại Pháp, con số này đã tăng trung bình 40%/năm trong hơn một thập kỷ qua. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ ba trên thế giới.
Giao lưu văn hóa, nghệ thuật Việt-Pháp cũng ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Những hoạt động trong lĩnh vực này được thúc đẩy thông qua Hiệp định trao đổi các Trung tâm văn hóa tại Việt Nam và Pháp được ký nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Francois Fillon (năm 2009), cũng như qua các sự kiện giao lưu văn hóa thường xuyên được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L'Espace), Huế và Viện Trao đổi văn hóa Pháp - IDECAF tại Thành phố Hồ Chí Minh. Liên hoan nghệ thuật Huế (Festival Huế) được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự khởi xướng và tham gia tích cực của Pháp, hiện nay đã trở thành một hoạt động văn hóa quy mô quốc tế, được tổ chức 2 năm một lần. Bên cạnh đó, nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực khác như y tế, du lịch, pháp luật, hợp tác giữa các địa phương, giao lưu nhân dân giữa hai nước cũng được thực hiện ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Trên bình diện đa phương, hai nước hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Quan điểm gần gũi về những vấn đề chung của thế giới, mong muốn cùng nhau phấn đấu cho hòa bình, công bằng, thịnh vượng và phát huy trách nhiệm của mỗi quốc gia, được thể hiện qua sự hợp tác tích cực giữa Việt Nam và Pháp tại Liên hợp quốc, trong khuôn khổ ASEAN-Liên minh châu Âu, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Pháp ngữ mà Việt Nam luôn đóng vai trò là thành viên tích cực.
Hợp tác giữa các địa phương với cơ chế "Hội nghị Hợp tác phi tập trung" đã trở thành hình thức hợp tác tiêu biểu giữa Việt Nam và Pháp. Hiện nay, 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Những kết quả tốt đẹp đạt được sau 9 kỳ Hội nghị được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Pháp, đã đáp ứng nhu cầu hợp tác và phát triển bền vững của các địa phương hai nước. Hợp tác giữa các địa phương và giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng ngày càng được tăng cường.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược Việt Nam- Pháp. Nhân dịp này, hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy một số thỏa thuận hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.