Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không cần phải có cánh đồng lớn

Hiện có nhiều mô hình tập trung đất đai như các mô hình hợp tác xã, giúp doanh nghiệp và người nông dân chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, nông dân ly nông nhưng không ly hương.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không cần phải có cánh đồng lớn ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 7/6, trong hiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia giải trình thêm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Bộ phụ trách.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình làm rõ các vấn đề về quy hoạch sử dụng đất, nhất là cho khu nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn, vấn đề tích tụ tập trung ruộng đất nông nghiệp; giải pháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề chống thoái hóa đất; phát triển nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ và Nghị quyết gần đây nhất của Bộ Chính trị liên quan đến phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết mặc dù là phiên giải trình về lĩnh vực nông nghiệp, song có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập ngành Tài nguyên và Môi trường phải chia sẻ và có ý kiến với tinh thần trách nhiệm của Bộ đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng cho biết, vừa qua Trung ương đã ban hành các nghị quyết quan trọng về nông dân, nông thôn và các nghị quyết liên quan đến kinh tế tập thể. Từ đây, Bộ trưởng thông tin, làm rõ các nhóm vấn đề trong phối hợp công tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vấn đề thứ nhất, về tập trung đất đai để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc “tập trung đất đai” chứ không phải “tích tụ” gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đây là một vấn đề phải tính toán đến quá trình chuyển đổi lực lượng sản xuất, liên quan tới an ninh chính trị, trật tự và đặc biệt là công ăn việc làm của người nông dân.

Tập trung về đất đai có rất nhiều hình thức, như dồn điền đổi thửa; liên kết, liên doanh giữa các hợp tác xã; hình thức cho thuê. Hiện nay, nhiều hộ gia đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả rất lớn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn nhấn mạnh, vướng mắc liên quan đến hạn mức chuyển nhượng đất trồng lúa và đất lâm nghiệp (hạn mức đất lúa là 20ha) nhưng năng lực để đầu tư là không nhiều.

Hơn nữa, thực tiễn thế giới cũng chứng minh phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn mới phát triển được.

Hiện, có nhiều mô hình để tập trung đất đai như các mô hình hợp tác xã để tạo điều kiện liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh ruộng của mình, ly nông nhưng không ly hương.

[Hợp tác công tư sẽ tạo đột phá trong nông nghiệp công nghệ cao]

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng báo cáo thêm, hiện nay đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 4.710ha đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.

Sắp tới sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán thêm quỹ đất đối với hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào mối quan hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân để tạo ra giá trị cao.

Vấn đề thứ hai được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình là tình trạng suy thoái đất.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, đó là chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học.

Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng.

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học thành công, đó là phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyên tắc chung là phải chung sống thân thiện với tự nhiên và theo tự nhiên, kinh phí phải phát triển dựa theo hệ sinh thái.

“Chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín,” Bộ trưởng phát biểu, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên, có thể tạo ra những sản phẩm nông nghiệp rất hữu ích, giá trị kinh tế cao.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định.

Vấn đề thứ ba, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để sử dụng đất đai hiệu quả, ngành nông nghiệp phải đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ chống đỡ mà phải tận dụng.

Đất đai nông nghiệp nhưng có dịch vụ; đất đai nông nghiệp nhưng có sản xuất, chế biến; đất đai nông nghiệp nhưng có du lịch sinh thái; hay thay đổi cách thức là sử dụng từ phân bón vô cơ hữu cơ….

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề cập cụ thể và có nghị định để sẵn sàng triển khai những nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm đất đai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.