Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Chưa tạo được giá trị tương xứng

Chính phủ luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển nông nghiệp hữu cơ như một phần của nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nông sản.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Chưa tạo được giá trị tương xứng ảnh 1Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Sản xuất nông nghiệp đang nổi lên với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, nông sản đóng góp ngày càng lớn vào giá trị xuất khẩu chung của cả nước, trong đó sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao giá trị nông sản, đưa nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản hữu cơ vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam là một hướng đi có tiềm năng, lợi thế phát triển. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển thiếu đồng bộ, mang tính phong trào mà chưa tạo được giá trị tương xứng cả trong tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu.

Nhiều dư địa phát triển

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định Việt Nam là nước nông nghiệp có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, có lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ngoài diện tích đất đồi núi chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị tác động nhiều của hóa chất, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ cũng khá đa đạng.

Trong thời gian gần đây, sự phát triển của công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng rãi để cho ra đời các sản phẩm, chế phẩm sinh học rất phù hợp yêu cầu của canh tác nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào, có kinh nghiệm thực tế và sáng tạo trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, là lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ vốn đòi hỏi nhiều nhân công.

Thêm vào đó, Chính phủ luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển nông nghiệp hữu cơ như một phần của nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường.

Thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước mới chỉ hình thành trong khoảng 10 năm trở lại đây và đang trên đà tăng trưởng. Nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao, quan tâm tới sức khỏe ở các thành phố lớn đối với nông sản, thực phẩm an toàn ngày càng tăng bước đầu đã tạo chỗ đứng cho một số sản phẩm hữu cơ như gạo, rau, quả. Một số nông sản hữu cơ được chứng nhận của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia khác nhau.

Giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam thông tin các số liệu thống kê về quy mô thị trường thực phẩm Việt Nam rất khác nhau khoảng trên dưới 200 triệu USD nhưng các đánh giá đều cho rằng tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ rất lớn. Thu nhập của người Việt Nam đang tăng nhanh cùng với sự quan ngại về sức khỏe của bản thân và gia đình đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, thuận tự nhiên.

Song song đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thế giới cũng tăng trưởng ổn định với quy mô thị trường ước tính hơn 80 tỷ USD/năm. Người tiêu dùng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU hiện rất ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ không chỉ vì tính ưu việt trong bảo vệ sức khỏe mà còn bởi đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sản lượng nông sản hữu cơ ở Việt Nam vẫn còn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản.

Theo giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, với lợi thế về đặc thù tự nhiên và xã hội của Việt Nam, nếu có sự lựa chọn chính xác về chủng loại sản phẩm thích hợp cho từng thị trường xác định; trong đó, ưu tiên sản xuất các đặc sản bản địa gắn với điều kiện sinh thái của các vùng thì nông sản hữu cơ Việt Nam có rất nhiều cơ hội tham gia vào thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giá trị cao. Nhu cầu của thế giới về các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất như: rau quả, chè, càphê, thủy sản, mật ong đang tăng trưởng ngày càng cao chính là động lực và cơ hội để Việt Nam mở rộng sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Sản xuất còn manh mún

Ông Trần Thanh Nam thông tin sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ là xu hướng đã hình thành ở Việt Nam trong hơn chục năm qua gắn với một số sản phẩm đã được chứng nhận quốc tế để xuất khẩu.

Tuy nhiên, do quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao trong khi năng suất cây trồng vật nuôi thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ không ổn định, do vậy chưa có nhiều nông dân có nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

"Đánh giá một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng vật nuôi cụ thể, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là bởi trong thời gian dài, ngành nông nghiệp chịu áp lực về an ninh lương thực do gia tăng dân số, trong khi đất đai cho sản xuất nông nghiệp hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi một nền nông nghiệp thâm canh cao nhằm tạo ra sản lượng nông sản lớn. Mặt khác, việc tiêu thụ nông sản hữu cơ trong nước còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng chưa đánh giá đúng những giá trị kinh tế, xã hội và môi trường mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại," ông Trần Thanh Nam phân tích.

[Việt Nam phấn đấu sản xuất nông nghiệp hữu cơ như các nước tiên tiến]

Trong khi đó, khảo sát của Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho thấy đang tồn tại hai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là doanh nghiệp tư nhân và nhóm nông hộ. Trong khi đó, một số ít doanh nghiệp tư nhân đã áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của EU, Mỹ, Nhật Bản để sản xuất phục vụ xuất khẩu, một phần cho tiêu thụ trong nước.

Còn lại phần đông nhóm hộ nông dân đang sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Các nhóm hộ này sản xuất trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng trước và chưa được chứng nhận sản phẩm hữu cơ bởi các tổ chức được chỉ định hoặc tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của nhóm này còn nhiều bấp bênh, giá bán thấp khó có lợi nhuận.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Chưa tạo được giá trị tương xứng ảnh 2Chị Nguyễn Thị Lan thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên trồng sầu riêng theo mô hình hữu cơ. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, cho biết trong khoảng 3 năm trở lại đây, từ khi có Nghị định 109/2018/NĐ-CP năm 2018 về nông nghiệp hữu cơ thì tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có xu hướng tăng vọt. Nếu như năm 2017, cả nước chỉ có khoảng 76.600ha sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ thì đến nay, diện tích đã lên đến 415.000ha.

Theo ông Hà Phúc Mịch, đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo. Mừng vì đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cả các cá nhân quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, một phần của nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Lo vì phát triển nóng có thể chỉ là phong trào nhất thời, không gắn với các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ thực chất dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của sản phẩm hữu cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.