Chiều 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên-Góc nhìn từ các nông dân tỷ phú”.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên tham dự.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề: Tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên-Một góc nhìn; xây dựng và phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao ở Tây Nguyên-Cơ hội và thách thức; những định hướng trong phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến ở Tây Nguyên; nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ-Lựa chọn và tất yếu; vai trò của khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe một số tham luận kiến thức, kinh nghiệm của các tỷ phú nông dân đến từ các tỉnh Tây Nguyên với mô hình xen canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho năng suất, sản lượng và giá trị cao... Điển hình là “Mô hình trồng cà phê, hồ tiêu xen cây ăn quả” của bà Nguyễn Thị Thái Hà, khối phố 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar.
Gia đình bà Hà có 22 ha đất trồng cây cà phê, hồ tiêu, những năm gần đây bà Hà đã lựa chọn nhóm cây ăn quả có giá trị như bơ Booth7, sầu riêng để trồng xen canh trong vườn cà phê, nhằm tăng thu nhập trên một diện tích đất. Nhờ luôn tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là mô hình tưới nước tiết kiệm theo công nghệ của Israel nên 5.000 cây cà phê cho năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha; hồ tiêu 15.000 gốc, hiện 40% đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 20 tấn; sầu riêng hơn 1.000 cây trong đó 350 cây cho thu hoạch hàng năm 50 tấn.
Ngoài ra, gia đình bà Hà hiện đang trồng thêm 700 gốc bưởi da xanh đã cho thu hoạch… Bà Nguyễn Thị Thái Hà cũng cho hay, hiện nay mỗi năm gia đình thu nhập hơn 7 tỷ đồng từ việc trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu…
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Tô Lâm nhận định, Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, môi trường và sinh thái của cả nước. Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và lợi thế to lớn về nhiều mặt để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước. Đến nay, khu vực Tây Nguyên đã hình thành những ngành sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, bước đầu xây dựng được thương hiệu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như cà phê, hồ tiêu, cao su… góp phần quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, đến nay kinh tế, xã hội khu vực Tây Nguyên nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Thượng tướng Tô Lâm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND các tỉnh Tây Nguyên cần chủ động nâng cao năng suất hiệu quả cây trồng, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nguồn nước, trồng và bảo vệ rừng, nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, mô hình áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt của các nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên bền vững./.