Phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu cao nhất của Chương trình nông thôn mới là xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống, để đời sống người dân thực sự được nâng lên.
Thư viện lưu động tại tỉnh Sơn La giúp người dân vùng sâu, vùng xa có thể khai thác, tìm kiếm thông tin tại chỗ. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)
Thư viện lưu động tại tỉnh Sơn La giúp người dân vùng sâu, vùng xa có thể khai thác, tìm kiếm thông tin tại chỗ. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã và ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất hai đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn khoảng 2,45 triệu tỷ đồng.

Trao đổi bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ những trăn trở và đóng góp giải pháp cho Chương trình.

Phải giữ được bản sắc văn hóa nông thôn

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, kiến nghị việc xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với yếu tố văn hóa vùng miền của địa phương, tránh việc đô thị hóa nông thôn mà biến dạng văn hóa.

“Nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhưng quá trình đô thị hóa ở vùng đồng bằng, vùng cao, vùng biên giới phải có những mô hình khác nhau, phù hợp xu thế mới đồng thời vẫn phải đảm bảo thu nhập, công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân,” đại biểu nêu ý kiến.

[Giảm nghèo bền vững: Chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao]

Những địa phương xuất hiện tình trạng văn hóa xuống cấp thì không hẳn do thực hiện nông thôn mới không đúng cách mà còn do tác động của nhiều luồng văn hóa ngoại nhập mà sức chống chịu, đề kháng của tổ chức, cá thể không cao. 

Phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ảnh 1Văn hóa dân tộc là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch homestay, farmstay, góp phần cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Trúc Hà/TTXVN)

Bà chia sẻ trong 10 năm thực hiện nông thôn mới, nhiều vùng đã hình thành mô hình du lịch homestay, farmstay... Từ kinh nghiệm của Thừa Thiên-Huế, bà cho rằng văn hóa bản địa, bản sắc địa phương là yếu tố thu hút du khách.

“Nông thôn mới không cứ phải xây nhà cao tầng, các công trình hiện đại, bê tông hóa. Trong khuôn khổ cứng nhắc như vậy, văn hóa dân tộc không tồn tại được,” đại biểu chia sẻ.

Qua đó, bà cho rằng cần rà soát lại quy hoạch nông thôn mới cho phù hợp đặc trưng từng xã, tiêu chí đầu tiên là phúc lợi người dân, tận dụng tiềm năng thế mạnh vùng miền.

“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là tạo những mô hình phù hợp khả năng con người, giữ được sự đa sắc màu của địa phương, thu hút du lịch, tạo ra sản phẩm dịch vụ, mang bản sắc văn hóa,” bà nói.

Đại biểu nhận định sự thích ứng của người vùng sâu, vùng xa, miền núi với môi trường đô thị, nhà máy, xí nghiệp chưa cao, đặc biệt là trình độ xã hội, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp còn hạn chế.

Bà Sửu cho rằng các doanh nghiệp cần chung tay trong quá trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, cụ thể quản lý doanh nghiệp tham gia dẫn dắt để chương trình đào tạo nghề thiết thực, tiếp nhận người lao động sau khóa học, đó mới là quy trình hiệu quả.

Phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ảnh 2Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cũng cho rằng cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn, xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, thiết thực hơn để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể để triển khai nông thôn mới tốt hơn.

“Chương trình rất cần sự quan tâm thích đáng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay và nông nghiệp thì liên tục bị tổn hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gây ra. Chính phủ cần bố trí đủ nguồn vốn ngân sách trung ương và có các giải pháp tích cực để huy động nguồn vốn đạt ít nhất 2,45 triệu tỷ đồng, ngoài ra cần có các gói hỗ trợ tích cực cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn COVID-19 để giúp người dân khôi phục, phát triển sản xuất,” bà nêu ý kiến.

Phát triển nông nghiệp thông minh

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh. Để đạt được mục tiêu này thì cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đặc thù, đáp ứng được sự đổi mới.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong phát triển nông thôn.

“Các huyện ngoại thành Hà Nội đặc thù nông nghiệp ven đô thị thì cần có các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu/nông thôn mới đô thị để phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,” bà nói.

Bà cho hay các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa rất mong muốn phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nhưng vẫn còn vướng mắc về vấn đề chính sách đất đai, đầu tư hạ tầng, kênh mương, đường sá. Điều này cần phải được thành phố, Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ cho người dân.

Phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ảnh 3Đại biểu Châu Quỳnh Dao, tỉnh Kiên Giang.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (tỉnh Kiên Giang) cũng cho rằng hạ tầng công nghệ, thông tin truyền thông có vai trò to lớn để phát triển đất nước và nông thôn cũng không ngoại lệ.

“Nhờ thông tin, người dân xem thời tiết khí hậu, biết được mùa này nên trồng cây gì, nuôi còn gì thì năng suất cao, bán ở đâu được giá. Nhờ công nghệ thông tin, người dân cũng cập nhật tình hình thời sự, thị trường, nâng cao hiểu biết, kỹ năng, cũng nhờ công nghệ mà hiện nay, trẻ em ngừng đến trường nhưng không ngừng học,” bà nêu vấn đề.

Vị đại biểu này cũng cho rằng cần phân bổ vốn hợp lý để phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, lập dự án chuyển giao công nghệ, ví dụ kỹ thuật số mặt đất ở những vùng sâu, vùng xa để người dân không bị biệt lập với truyền thông...

Phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ảnh 4Đại biểu Nguyễn Văn Thi, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (tỉnh Bắc Giang) cho rằng mục tiêu cao nhất của Chương trình nông thôn mới là xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống, để đời sống người dân thực sự được nâng lên. Ông gợi ý cần ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, khi phân bổ ngân sách cần ưu tiên miền núi, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lũ thiên tai.

Tán thành ý kiến xây dựng nông nghiệp thông minh, đại biểu cho rằng cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.

“Đầu tư sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao thu nhập người dân một cách bền vững, để người dân làm giàu từ nông nghiệp trên chính quê hương mình,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục