Nhiều nông dân tỉnh Bình Phước đã nắm bắt tốt cơ hội thời nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao để biến vùng đất ít ai quan tâm thành nơi cho kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu chính đáng.
Trong những ngày cuối tháng 9 này, phóng viên đã có dịp ghé thăm một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chứng kiến chí thú làm ăn của nhà nông đã mạnh dạn đi đầu về đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như mô hình nhà kính trồng dưa lưới; xây trại gà tự động hoá hoàn toàn theo công nghệ của Đức, trở thành “đại gia” nông nghiệp ở vùng đất đỏ Bình Phước.
Bài 1: Thời nhà nông đầu tư “công nghệ cao”
Nhà nông bây giờ nhạy bén nắm vững nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp vừa có chất lượng ăn ngon, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ chân đất, nhiều nhà nông bắt đầu “ lột xác” mạnh dạn đổ vốn vào mô hình sản xuất có chọn lọc. Mô hình nhà kính trồng dưa lưới kiểu Nhật ra đời trên vùng đất xã biến giới Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã cho thấy hiệu quả và đang kích cầu cho cả vùng nông nghiệp vốn lạc hậu trở thành vùng đất sôi động.
Một năm thu đủ vốn
Nhà nông Nguyễn Thanh Sơn, ở ấp 2, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước khẳng định, mô hình nông nghiệp công nghệ cao chỉ cần 1 năm đầu tư là thu hồi đủ vốn. Cụ thể, mô hình đầu tư nhà kính 1000m2 ông Sơn bỏ vốn đầu tư vừa đưa vào trồng dưa lưới có tổng chi phí lên tới 250 triệu đồng. Sau thời gian đưa vào vận hành vụ sản xuất đầu tiên, ông Sơn thu về 120 triệu đồng.
Theo tính toán rất chi tiết của ông Sơn, mô hình nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trên một diện tích đất khá nhỏ. Vì vậy, sản xuất từ nông nghiệp nhà kính trong vòng một năm là thu hồi đủ vốn đầu tư và sang năm thứ hai là bắt đầu thu lãi.
Nhà nông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, sau khi thử nghiệm vụ dưa lưới đầu tiên gia đình ông đã thu hoạch trên 4 tấn quả. Với giá bán bình quân tại vườn từ 30.000- 35.000 đồng/kg đã cho thu nhập hơn 120 triệu đồng/vụ.
Đặc biệt, dưa lưới trồng trong nhà kính tại vùng đất Bình Phước mỗi năm cho 4 vụ và năng suất vườn cây đạt 4 tấn/vụ thì trong một năm là đủ sức thu hồi vốn.
[Vì sao việc sản xuất nông nghiệp sạch vẫn còn "chậm lớn"?]
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, trong vụ vừa qua ông đã đưa giống dưa lưới vụ đầu vào sản xuất cho ra sản phẩm khá ưng ý được siêu thị trên ở Sài Gòn đưa container thu mua tận vườn chở về bán cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh.
Riêng với thị trường bán lẻ, mặt hàng dưa lưới của gia đình ông qua thương lái nhỏ thì luôn cháy hàng nhất là khu vực gần khu vực thị xã Bình Long mỗi ngày tiêu thụ cả tạ dưa lưới.
Chia sẻ thêm kinh nghiệm, ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, do mới đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô còn nhỏ và mới làm thử vụ đầu nên mình hơi tham để quả dưa lưới to quá lứa. Vì ham và không hãm phân bón, điều tiết nước chưa tốt nên quả dưa lưới mau to cũng như cho chất lượng chưa đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Rút kinh nghiệm từ đó, từ vụ thứ hai này ông Sơn quyết định đưa giống dưa lưới Nhật loại ngon nhất được thị trường ưng ý nhất để đưa vào trồng và dự định điều tiết nước phân hữu cơ để quả dưa lưới đạt trọng lượng bình quân 2kg/quả.
Tiêu chí quả dưa có trọng lượng như vậy đang được các siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh săn đón vì khách hàng rất thích và ổn định thị trường đầu ra.
Hiện ông Sơn nắm rất vững kỹ thuật và rành áp dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nhà kính. Theo đó, quy trình được ông tính toán mỗi vụ dưa lưới trồng trong nhà kính mất khoảng 75 ngày là cho thu nhập. Như vậy, cứ mỗi quý là làm được một vụ thu về trên 100 triệu đồng với chỉ 1.000m2 đất.
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Mô hình của ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Lộc Hưng, huyện biên giới Lộc Ninh không phải cá biệt mà đang nở rộ trên khắp địa bàn. Cụ thể, nông nghiệp nhà kính trồng dưa lưới kiểu Nhật hiện đang có 5-6 hộ nông dân đầu tư với tổng diện tích hơn 1 ha.
Có thể thấy, phong trào nông dân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã nhen nhóm lên mấy năm gần đây ở Bình Phước sau khi tỉnh này có chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao làm kinh tế mũi nhọn trong chiến lược hoạch định về phát triển tỉnh nhà thời gian tới.
Trước đây vùng đất xã Lộc Hưng được bà con nhà nông chê vì đất pha cát, khó làm nông nghiệp, nên vùng đất này rất nghèo. Nhiều người tìm đến các vùng như xã Lộc Hiệp, Lộc Tấn, Lộc Điền vì có đất đỏ ba zan, đất đai màu mỡ dễ trồng các loại cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu...cho thu nhập khá. Tuy nhiên, do giá cả xuống thấp, cao su mất giá, tiêu mất mùa làm nhà nông nhiều vùng “ lao đao” để sống.
Với phương thức chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao trong nhà kính, không những mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn mà xã Lộc Hưng như được khoác trên mình chiếc áo mới.
Ông Nguyễn Thanh Sơn không ngại ngần khoe, hiện gia đình đang trồng 1ha nhãn lồng Thái Lan. Dự định trong tương lai sẽ chuyển hết khu đất này thành khu nhà kính trồng dưa lưới và một số sản phẩm nông nghiệp đang có nhu cầu cao trên thị trường.
Theo ghi nhận, hiện khu vực đất có nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp được nông dân các tỉnh lân cận kéo đến săn lùng gắt gao. Đặc biệt, khhu vực Lộc Hưng trước đây bà con chê vì cách trở xa xôi biên giới nhưng nay đất nông nghiệp sốt ghê lắm. Hiện mỗi ha đất có nguồn nước tưới được định giá xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha.
Lộc Hưng là xã ở vùng biên giới huyện Lộc Ninh, Bình Phước và vừa đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Với xu hướng chuyển đổi mô hình làm ăn, mạnh dạn từ các nhà nông đi đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang mở hướng làm giàu./.
*Phát triển nông nghiệp thông minh – Bài 2: Tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín